Giảm nghèo bền vững: Nhà nước hỗ trợ, địa phương đồng hành, người dân chủ động
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, "cầm tay chỉ việc" của chính quyền cơ sở.
Nhiều địa phương tại Cà Mau, trong đó có huyện Trần Văn Thời, luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển.
Theo kết quả rà soát, đến nay, huyện Trần Văn Thời còn 623 hộ nghèo, tỷ lệ 1,32% (so đầu năm, giảm 419 hộ, tỷ lệ 0,86%); 573 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,21% (giảm 45 hộ, tỷ lệ 0,08%).
Trong thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Trần Văn Thời đã đạt kết quả tích cực. Huyện có xã Khánh Lộc 3 năm liên tục không còn hộ nghèo và năm 2023 đã xoá trắng hộ cận nghèo; 6 năm liên tục huyện không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách; có 44 ấp, khóm không còn hộ nghèo và 31 ấp, khóm không còn hộ cận nghèo.
Ông Phạm Văn Lì, Trưởng ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, cho biết trước đây, ấp có 86 hộ nghèo. Bên cạnh việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ, chi bộ, ban nhân dân ấp phân công từng cán bộ, đảng viên hỗ trợ từng hộ nghèo, gần gũi, sâu sát để kịp thời hỗ trợ, động viên tinh thần... Nhờ đó, năm 2023 ấp chỉ còn 5 hộ nghèo, tỷ lệ 0,24%.
Ở xã Khánh Bình Đông, gia đình bà Ngô Thị Tuyền ấp Lung Bạ được xem là một trong những hộ nghèo thoát nghèo bền vững khi có sự kết hợp giữa 3 yếu tố: sự hỗ trợ vốn của nhà nước, sự đồng hành của chính quyền cơ sở và sự nỗ lực vượt qua đói nghèo.
Vốn có ít đất sản xuất, vợ chồng bà Tuyền phải làm thuê, gia cảnh luôn thiếu trước hụt sau. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi 2 con gái thường xuyên bệnh tật, ông bà lại phải vay mượn để chữa bệnh cho con.
Hiểu sự khó khăn trong gia đình bà Tuyền, chính quyền địa phương xét hỗ trợ căn nhà. Để căn nhà kiên cố hơn, vợ chồng bà tranh thủ làm ngày làm đêm, tiết kiệm chi phí thuê mướn nhân công. Hội phụ nữ hướng dẫn cách chăn nuôi lợn, nuôi tôm, giúp vợ chồng bà vay vốn phát triển kinh tế, dần dà khó khăn cũng lùi lại.
Giờ đây, cuộc sống ổn định, có được chút vốn nên gia đình bà quyết định làm đơn xin thoát nghèo để địa phương hỗ trợ cho hộ nghèo khác có điều kiện thoát nghèo.
Ở xã Khánh Hải, gia đình ông Nguyễn Hoàng Đạt, tại ấp Bảy Ghe cũng được hỗ trợ căn nhà Đại đoàn kết từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp. Nhà ông Đạt là hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, thu nhập chủ yếu từ 6 công đất ruộng. Ông mang trong người nhiều bệnh tật, sức khoẻ kém nên canh tác lúa không đạt hiệu quả, thu nhập thấp, thời gian qua gia đình ông sống trong căn nhà lá tạm bợ.
Nhận quyết định bàn giao nhà Đại đoàn kết trên tay, ông Đạt xúc động, phấn khởi, quyết tâm trong lao động, sản xuất để cuộc sống gia đình vươn lên vượt qua khó khăn, góp phần cùng xây dựng xã Khánh Hải, đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, "cầm tay chỉ việc" của chính quyền cơ sở. Mối quan hệ “3 bên” này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực và trở thành sức mạnh tổng hợp giúp nhiều địa phương của huyện Trần Văn Thời thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, người già, neo đơn, hộ không có lao động chính hoặc không có khả năng lao động và cả những hộ nghèo tuy đã thoát nghèo nhưng chưa thật sự bền vững... đang là thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững của huyện Trần Văn Thời.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát cụ thể thực trạng từng hộ, đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp từng hộ. Song song đó, huyện tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ từ các chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, các chính sách khác trên địa bàn quản lý và các nguồn lực xã hội hoá.
Trước mắt, huyện tập trung hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết trong sinh hoạt hàng ngày như: nhà ở, điện, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh… Tiếp đó mở rộng hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất như: hỗ trợ phương tiện sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn tín dụng… để tạo sinh kế bền vững, nhất là quan tâm đối với hộ nghèo bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Từng thành viên của Tổ công tác huyện cũng được phân công thực hiện giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ công tác giảm nghèo tại xã, thị trấn cũng như Tổ Công tác xã, thị trấn phân công thành viên Tổ cùng ấp, khóm nắm tình hình thực tế của hộ nghèo để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo cả về tinh thần lẫn vật chất tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo bền vững tránh tình trạng tái nghèo.
Minh An