Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để củng cố hệ thống an sinh xã hội
Từ khi Nghị quyết 15-NQ/TW được ban hành vào năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã dần được hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn cần được cải cách và củng cố hơn nữa, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người
Từ khi Nghị quyết 15-NQ/TW được ban hành vào năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã dần được hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn cần được cải cách và củng cố hơn nữa, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Định hướng chính sách của Việt Nam là lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Các chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế. "Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững".
Với tinh thần đó, giảm nghèo là một cấu phần của hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa tầng, bao trùm và phổ quát. Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để củng cố hệ thống an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro về phúc lợi từ các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và từ các sự kiện khác. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội còn trợ giúp xã hội cho những người không thể tự nuôi dưỡng bản thân vì khuyết tật hay vì kinh tế.

Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, củng cố an sinh xã hội chính là thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Hệ thống an sinh xã hội là “xương sống” của chính sách xã hội. Theo thông lệ quốc tế, hệ thống an sinh xã hội toàn diện phải được thiết kế đa tầng, thực hiện đủ 4 chức năng theo bốn chữ P, gồm: Promotion - Thúc đẩy, Prevention - Phòng ngừa, Provision - Cung cấp và Protection - Bảo vệ.
Từ khi Nghị quyết 15-NQ/TW được ban hành vào năm 2012, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã dần được hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn cần được cải cách và củng cố hơn nữa, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội cho tất cả mọi người.
Trong 10 năm qua, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đã tương đối toàn diện, đa dạng, ngày càng mở rộng về diện và đối tượng, hiệu quả được nâng cao bao gồm 4 trụ cột (nhóm chính sách) chính, gồm 4 trụ cột (i) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) BHXH; (iii) Trợ giúp xã hội và (iv) Dịch vụ xã hội cơ bản.
Về bản chất, hệ thống này thực hiện cả 4 chức năng, cụ thể là chức năng thúc đẩy của trụ cột việc làm, thu nhập và giảm nghèo; chức năng phòng ngừa của bảo hiểm xã hội; chức năng cung cấp của trợ giúp xã hội và chức năng bảo vệ người dân thông qua hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có bảo hiểm xã hội hay không nhận được trợ cấp xã hội. Một kết quả điển hình của khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội là phạm vi bao phủ lương hưu ở Việt Nam còn thấp.
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Bởi vậy, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam cho rằng để tiến tới an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau.
Việt Nam cần tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 nhóm mục tiêu.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó với biến đổi khí hậu, về giáo dục nghề nghiệp…
Đặc biệt, cần hiện đại hóa hệ thống quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách xã hội. Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho rằng, giải pháp quan trọng là rà soát, tích hợp chính sách, giảm chồng chéo; thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu.
Công Sáng, Mỹ Hòa, Kim Chi