Dự kiến hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất
Tỉnh dự kiến hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất; xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo...
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm hỗ trợ có hiệu quả và tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 18,66%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%.; Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất; xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo;
Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn...; Hỗ trợ đào tạo 4.000 người lao động thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ 40 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, người dân.
Có 6 chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản: Chiều thiếu hụt về việc làm; Chiều thiếu hụt về y tế; Chiều thiếu hụt về giáo dục; Chiều thiếu hụt về nhà ở; Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh; Chiều thiếu hụt về thông tin.
Để đạt được các chỉ tiêu đó, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương và các nhóm dân cư; từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh. Hỗ trợ có hiệu quả và tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Kim Duyên, Phùng Thủy, Lê Hạnh