Xóa đói thông tin góp phần giảm nghèo bền vững
Hoạt động xóa đói thông tin đã có tác động rất lớn đến việc thay đổi nếp sống cũng như đời sống tinh thần của người dân ở ngoại thành, trong đó có nhiều gia đình chính sách.
Thực hiện Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Bộ TT&TT đã hỗ trợ 9.694 ti vi và 4.058 radio cho các hộ nghèo. Trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 234 huyện. Xây dựng, nâng cấp 582 điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời ở 356 xã nghèo…
Từ những kết quả đã đạt được đó, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thông tư nêu rõ, một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin là trang bị hệ thống thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới, hải đảo.
Mục đích nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền cho người dân các xã biên giới, thu hút người dân tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các đồn biên phòng, qua đó cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân trên địa bàn; vận động nhân dân tích cực vươn lên giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với tình hình mới tại các đồn biên phòng thuộc xã biên giới, hải đảo.
Trên tinh thần đó, tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau quy định một số nội dung thực hiện hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hàng năm, Sở TT&TT tỉnh Cà Mau phối hợp với các cơ quan báo, đài và các đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Sở TT&TT biên soạn và cung cấp tài liệu cho các cơ quan báo in, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất. Đồng thời, in phát hành 10.000 tập gấp truyền thông và giảm nghèo về thông tin cho các cán bộ xã, các chi hội, đoàn thể và người dân của các xã đặc biệt khó khăn.
Triển khai hỗ trợ thiết bị nghe - xem cho 134 hộ nghèo (năm 2018, có 66 hộ được hỗ trợ ti vi; năm 2019, có 68 hộ được hỗ trợ ti vi). Năm 2020, hỗ trợ loa di động cho 10 ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác thông tin và truyền thông ở cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới bưu chính nâng cấp, hạ tầng kỹ thuật viễn thông ngày càng được hoàn thiện, công nghệ thông tin được đổi mới và phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách về thông tin, hệ thống Đài truyền thanh được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển.
Nằm trong Chương trình Xóa đói giảm nghèo, từ tháng 4/1996, Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy) phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân thành phố (VOH), Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông), Hội Nông dân và Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo thành phố đã đề ra nội dung xóa đói thông tin. Đây là cuộc vận động, tổ chức trao tặng và cung cấp các phương tiện nghe, nhìn, đọc như radio, cassette, tivi, video, sách, báo, lập các tụ điểm sinh hoạt văn hóa…, tạo điều kiện hỗ trợ và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bà con nông thôn nghèo ngoại thành (trong đó có khá đông gia đình chính sách), nhằm rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa ở các vùng nông thôn với các vùng đô thị hóa và nội thành.
Theo đó, thành phố đã vận động và trao tặng radio cho các hội nông dân nghèo, gia đình chính sách, thanh niên xung phong, bộ đội, người khiếm thị, người già, người khuyết tật ở các xã thuộc TPHCM và một số địa phương có kết nghĩa với thành phố, nhất là ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thành phố cũng khảo sát và vận động tặng tivi cho các ấp, cụm văn hóa cơ sở, gia đình chính sách tiêu biểu (thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…); đồng thời kết hợp với một số đơn vị kinh tế và ngân hàng để tổ chức bán trả góp tivi cho hộ nghèo. Thành phố cũng triển khai phát hành các loại sách báo đến các cơ sở đảng, nhất là báo và tạp chí của Đảng; hỗ trợ đưa các báo đoàn thể xuống chi bộ, chi đoàn, chi hội…; củng cố các thư viện, phòng đọc sách, xây dựng các sạp báo, điểm phát hành sách báo, văn hóa phẩm, bưu điện. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng mô hình ấp văn hóa, cụm văn hóa, vận động xây dựng nông thôn mới và gia đình văn hóa mới.
Hoạt động xóa đói thông tin đã có tác động rất lớn đến việc thay đổi nếp sống cũng như đời sống tinh thần của người dân ở ngoại thành, trong đó có nhiều gia đình chính sách. Ngay trong năm đầu tiên, các cơ quan đã tặng hàng chục ngàn radio đến bà con nghèo. Cùng với kết quả của các nội dung khác trong Chương trình Xóa đói giảm nghèo, xóa đói thông tin đã góp phần nâng cao bộ mặt của các vùng nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân ở ngoại thành, tạo tiền đề quan trọng để thành phố sau này thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, người nghèo cần tặng radio, tivi, sách báo… nhưng hiện nay, hầu như gia đình nào cũng có tivi, smartphone…, nên nhu cầu về thông tin và các nhu cầu khác về tinh thần có thể được đáp ứng với chất lượng cao so với trước. Tuy nhiên, giữa bối cảnh thông tin rất đa dạng, nhiều chiều và có phần khó kiểm soát thì với một số người dù có nhiều thông tin nhưng lại nghèo thông tin. Bởi vì, thông tin thì nhiều nhưng nhiều người không có điều kiện hoặc năng lực để chọn lọc thông tin nào đúng đắn, thông tin nào ích để tiếp nhận; hoặc có khi tiếp nhận cả thông tin sai lệch, xấu độc, rồi còn lan truyền cho người khác; hoặc có khi tin tưởng làm theo những thông tin không chính xác của các nguồn tin không xác định… Trong số này, có cả một số ít cán bộ, đảng viên, nhất là với các đảng viên đã nghỉ hưu. Hiện tượng đó có thể gọi là “nghèo thông tin”, tức là không tiếp nhận đủ những thông tin có ích, cần thiết, kịp thời.
Để khắc phục tình trạng “nghèo thông tin” này, cần có việc tổ chức thông tin, tuyên truyền tích cực hơn nữa, kịp thời hơn nữa, chủ động hơn nữa. Đối với đảng viên, bên cạnh cơ chế cung cấp thông tin thông qua phát báo miễn phí, thông tin trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, gửi tài liệu trong các group… thì cần thực hiện việc chia sẻ thông tin từ các nguồn chính thức, chính thống về các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Nếu không thể tổ chức thông tin gián tiếp thì có thể tổ chức thông tin trực tiếp để các báo cáo viên, tuyên truyền viên cung cấp các thông tin có định hướng. Việc làm cần thực hiện đối với cả các đảng viên đã được miễn sinh hoạt đảng bằng hình thức phù hợp, bởi dù không nhận phân công công việc nhưng nhu cầu thông tin với các đảng viên cao tuổi là rất lớn và đây là kênh có thể góp phần lan tỏa nhanh đến nhiều chủ thể khác.
Đối với người dân, ở từng tổ dân phố, tổ trưởng hoặc cảnh sát khu vực nên thường xuyên cung cấp thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trên các group, chứ không phải đợi đến kỳ họp tổ (nơi nào thực hiện đều thì hằng quý). Đồng thời, có thể thông qua bản tin ở tổ, loa truyền thanh ở xã, tờ tin của phường…, những nội dung “nóng” có thể lan tỏa ngay để góp phần ổn định tình hình dư luận. Để làm được việc này, đảng ủy phường, cấp ủy chi bộ khu phố/ấp phải tích cực hỗ trợ thông tin bởi trong nhiều trường hợp, cán bộ tổ dân phố khó cập nhật được thông tin chính thống và chính thức để có thể gửi đến người dân. Ngoài ra, cần thiết huy động sự tham gia của các đảng viên sinh hoạt nơi cư trú (đảng viên 213) để có thêm kênh thông tin có ích.
Bên cạnh đó, các địa phương, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội… để thông tin ngay cho cán bộ, nhân viên, người lao động và người dân của mình về các vấn đề dư luận đang quan tâm, từ đó góp phần giải tỏa sự “nghèo” thông tin ở chính cơ quan, đơn vị của mình.
Khác với hiện tượng “đói thông tin” nhiều năm trước vốn thường là ở khu vực ngoại thành, hiện tượng “nghèo thông tin” có cả ở khu vực nội thành lẫn vùng ven. Do đó, các tổ chức đảng, các cấp ủy phải thực sự quan tâm khắc phục tình trạng này, tránh để người dân nghe và tin theo các thông tin sai lệch, cũng như việc đảng viên tham gia lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng làm phức tạp thêm tình hình dư luận.
Văn Tâm, Như Quỳnh, Ngọc Chính, Thu Hà, Quang Ninh, Chí Hiếu