Giai đoạn 2021–2030: Thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn
UBDT đã tổng hợp được 36 đề án, nhiệm vụ đưa vào Chương trình hành động để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành thành các chính sách thực hiện tại vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Xây dựng nhiệm vụ cho từng giai đoạn
Thời gian qua, những vấn đề về công tác dân tộc luôn đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn.
Nhận định chung cho rằng, giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược công tác dân tộc được triển khai đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội về tầm quan trọng của công tác dân tộc. Qua đó, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% năm; kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng; giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều tiêu cực xã hội được đẩy lùi; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện…

Bước sang giai đoạn mới, từ những thành tựu đã đạt được, Chương trình công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu, thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước vào đời sống thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị về về vị trí, vai trò công tác dân tộc, chính sách dân tộc; cơ bản đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các vùng trong việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ xã hội.
Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng dân tộc thiểu số so với vùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân, gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết các vùng để phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa.
12 nhóm nhiệm vụ cho giai đoạn mới
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Chính phủ giao UBDT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động).
Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.
Chương trình hành động đề ra 12 nhóm nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đó là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế, phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN; phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; về y tế và dân số; về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; quốc phòng, an ninh; công tác đối ngoại; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS.
Dự thảo Quyết định cũng đề xuất các đề án, chương trình, chính sách dân tộc đưa vào Chương trình hành động. Trên cơ sở đề xuất của các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, UBDT đã tổng hợp được 36 đề án, nhiệm vụ đưa vào Chương trình hành động để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành thành các chính sách thực hiện tại vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của UBDT (cơ quan chủ trì Chương trình), trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động và đề nghị sự phối hợp, giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh -Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá cao các ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề cương của các đại biểu. Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị, Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Đề cương, đặc biệt là một số nội dung trọng tâm như: Hoàn thiện phân công nhiệm vụ, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, tránh trùng lặp; rà soát lại về mặt nội dung, bố cục, văn phong, từ ngữ phải đồng nhất, phù hợp với hệ thống thuật ngữ của Đảng, Nhà nước; nghiên cứu những vấn đề mới cần đặt ra bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, mặc dù không lựa chọn được hết toàn bộ các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, nhưng đã lựa chọn tối đa các cơ quan liên quan để tham gia Ban Chỉ đạo. Về nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Tổ Soạn thảo tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh để làm rõ vị trí, trách nhiệm, yêu cầu của các thành viên Ban Chỉ đạo, tránh trùng lặp trong phân công nhiệm vụ.
Văn Hưng, Thu Hà, Vân Anh