Tuyên truyền viên phải nắm vững chính sách về công tác giảm nghèo
Hội thi là dịp để cán bộ, người làm công tác giảm nghèo nắm vững các nội dung cơ bản của các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây hoạt động tuyên truyền về giảm nghèo ngày càng sôi nổi, đa dạng. Đặc biệt, tập trung vào việc đẩy mạnh kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên.
Đúng 1 tuần trước, tại hội trường UBND huyện Gia Viễn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã tổ chức hội thi "Tuyên truyền viên giỏi về giảm nghèo" năm 2022.
Hội thi thu hút 8 đội chơi, đại diện cho 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi đội có từ 5 - 6 thành viên là công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; tuyên truyền viên, cộng tác viên đã và đang tham gia các hoạt động truyền thông về giảm nghèo tại các địa phương; trưởng thôn, xóm, tổ trưởng dân phố; cán bộ các hội, đoàn thể ở cấp xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, phố.
Theo đó, các đội lần lượt trải qua 3 phần thi gồm: Chào hỏi, kiến thức chung và xử lý tình huống, tiểu phẩm. Các phần thi tập trung vào các nội dung như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; Chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025; Quy trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025; các chính sách: bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, tiền điện, trợ giúp, trợ cấp xã hội, trợ giúp pháp lý, y tế, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và một số chính sách khác có liên quan đến hộ nghèo, người nghèo hiện đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh...
Quan sát nội dung phần thi của tỉnh Ninh Bình không khó để thấy, hoạt động này nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chi bộ, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hội thi là dịp để cán bộ, người làm công tác giảm nghèo tìm hiểu, nghiên cứu, nắm vững các nội dung cơ bản của các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác truyền thông; đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giới thiệu gương người tốt việc tốt rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội… đến với cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.
Những tiểu phẩm tại cuộc thi được sử dụng chất liệu từ những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật được đánh giá, góp phần lan tỏa các gương điển hình ở tất cả các lĩnh vực, trong công tác và đời sống xã hội trên địa bàn.
Với tỉnh Ninh Bình, mặc dù đây là lần đầu tiên hội thi được tổ chức song đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về ý nghĩa và sự thiết thực, góp phần lan tỏa thông điệp xuyên suốt của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao các giải: màn chào hỏi xuất sắc nhất cho huyện Kim Sơn; nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất cho huyện Yên Mô; trao 2 giải khuyến khích cho huyện Yên Khánh và Yên Mô; trao 3 giải ba cho đội Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp; trao 2 giải nhì cho thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và trao giải nhất cho huyện Kim Sơn.
Thanh Thủy, Lệ Yên, Hồng Kiên, Thanh Thuý