Công cụ đắc lực giúp Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo
Sau 20 năm triển khai Nghị định số 78 của Chính phủ, dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện vai trò là công cụ tài chính đắc lực, góp phần đưa Vĩnh Phúc thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo.
Là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có 9 huyện, thành phố, 136 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 345.719 hộ dân với 1.231.000 người, 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 4%.
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78) đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 515.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 10.300 tỷ đồng.
Tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đến hết tháng 7/2022 của Chi nhánh đạt hơn 3.500 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,4%/năm với hơn 78.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Dư nợ bình quân 45 triệu đồng/khách hàng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh ở mức dưới 0,2% tổng dư nợ.
Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phủ sóng đến 100% thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 136 điểm giao dịch xã, phường và hơn 2.200 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Với mô hình tổ chức đặc thù, riêng có, trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã nâng từ 3 chương trình cho vay năm 2002 (hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên) lên 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi.
Giai đoạn 2002 - 2022, Chi nhánh đã giải ngân cho vay trên 10.500 tỷ đồng cho trên 516.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 3.671 tỷ đồng (tăng 3.548 tỷ đồng, gấp gần 30 lần so với năm 2002). Tốc độ tăng bình quân hằng năm 18,45% với 79.029 khách hàng còn dư nợ (dư nợ bình quân là 46,5 triệu đồng/khách hàng, tăng 43 triệu đồng/khách hàng so với năm 2002).
Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc là 3.527 tỷ đồng với 78.145 khách hàng đang vay vốn.
Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND tỉnh đã quan tâm, ưu tiên, cân đối, bố trí ngân sách, chuyển 495 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. UBND cấp huyện đã cân đối ngân sách, chuyển 44 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Điều này góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện, thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, dòng vốn tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện vai trò là công cụ tài chính đắc lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Nghị định số 78 của Chính phủ là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Trung ương và địa phương. Kết quả triển khai thực hiện nghị quyết thời gian qua đã phát huy sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì, phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng ưu việt của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Với mục tiêu đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 8% - 10%/năm, tỷ lệ thu lãi đạt 98%, hiệu suất sử dụng vốn đạt 99%, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, gắn việc triển khai tín dụng chính sách với chủ trương, định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2025 bố trí bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 1.000 tỷ đồng. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, các điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật…
Văn Giáp, Ngọc Quý, Minh Thúy