Bến Tre: Tín dụng chính sách giúp người dân vươn lên thoát nghèo
20 năm qua, gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Bến Tre được vay vốn ưu đãi. Qua đó, giúp 116.623 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo đa chiều bền vững.
Tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ (2002 - 2022) trên địa bàn tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, công tác triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã khẳng định đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tiễn.
Điển hình ở huyện Chợ Lách, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 71.370 lượt hộ nghèo vay vốn. Đặc biêt, nguồn vốn ưu đãi đã bao phủ 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng một các thuận lợi, kịp thời.
Nhờ đó, 25.809 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần đưa 12.597 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 19.706 lao động; giúp 6.586 học sinh sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Nguồn vốn này cũng đã hỗ trợ xây mới và cải tạo 18.145 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.137 căn nhà cho hộ nghèo...
Có thể nói, chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ đã giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Bến Tre.
Thống kê đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.284 tỷ đồng, gấp 23 lần so với 20 năm trước. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 4,28% xuống còn 0,22%.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn. Qua đó, đã giúp 116.623 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo đa chiều bền vững.
Nguồn vốn ưu đãi đưa vào sản xuất đã tạo việc làm mới cho 48.243 lượt lao động. Trong đó, có 2.330 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 46.031 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập.
10.397 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo; 95 công trình nhà ở xã hội được xây mới và cải tạo; 223.605 công trình nước sạch và 223.605 công trình vệ sinh nông thôn được xây dựng.
Bên cạnh đó, 22.408 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư 22.408 dự án; 565 thương nhân vùng khó khăn vay vốn sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn ưu đãi đã đến tay 38 người sử dụng lao động vay để trả lương cho 5.468 người lao động; cho 516 học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính và 15 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tín dụng chính sách lan tỏa đến các vùng sâu, vùng xa, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế nạn tín dụng đen.
Vốn tín dụng ưu đãi cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;, xây dựng nông thôn mới. Việc cho vay thông qua tổ tiết kiệm, được thực hiện công khai, dân chủ đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách yên tâm sản xuất tiến tới làm giàu trên chính quê hương mình, hạn chế tình trạng hộ vay đi làm ăn xa.
Tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi nhận thức của người nghèo khi họ không còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của xã hội mà đã biết biết quản lý vốn, sử dụng vốn hiệu quả và quen dần với tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, chính sách của địa phương và chiến lược phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp hằng năm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở tỉnh này.
Diệu Thúy, Thu Hà, Nguyễn Hà