Bát Xát: Đưa công tác giảm nghèo đi vào thực chất, bền vững
Bằng việc tập trung nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với tăng thu nhập cho nhân dân, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 5 năm qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, kết nối doanh nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 69 triệu đồng/ha.
Huyện cũng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như vùng cây dược liệu, vùng cây ăn quả ôn đới, vùng rau an toàn ứng dụng một phần công nghệ cao... Nhiều dự án liên kết sản xuất đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho các thành viên tham gia.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 36,2% năm 2015 lên 55% năm 2022; giải quyết việc làm mới cho trên 7.500 lao động.
Huyện đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập 23 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn lên 62 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bằng việc tập trung nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn với tăng thu nhập và giảm nghèo cho nhân dân, năm 2022 toàn huyện giảm 1.404 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,11%. 6 tháng năm 2023 đã giảm được 304 hộ nghèo tương đương với 2,21%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 34,99%.
Theo ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện uỷ Bát Xát, dù đạt được những thành tựu nổi bật, song công tác giảm nghèo huyện vẫn còn gặp những khó khăn như: Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ về cho huyện còn chậm; Nhiều dự án thuộc chương trình còn phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần; Một số văn bản hướng dẫn chưa kịp thời.
Ngoài ra, Bát Xát còn 10/21 xã có tỷ hộ nghèo trên 50%. Điều kiện tự nhiên vùng núi cao diễn biến bất thường, địa bàn rộng, hệ thống giao thông chưa thuận lợi. Điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Việc thay đổi tư duy trong phát triển các mô hình kinh tế chưa được nhiều và hiệu quả...
Trong thời gian tới, để giảm nghèo hiệu quả, ông Nguyễn Trung Triều cho biết, huyện sẽ lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Lào Cai để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, phát triển các mô hình.
Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững.