Bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam lần đầu tiên và là một trong hơn 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Thảo luận về vấn đề áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, các chuyên gia, nhà quản lý cho biết, Việt Nam đã 08 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp nhu cầu, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Việt Nam lần đầu tiên và là một trong hơn 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới, một trong những quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó, năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2022 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2022-2025, thực hiện chuẩn nghèo theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng; tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/1/2021 theo Quyết định số 90 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đang từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách. Theo đó:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, thành lập Ban Chỉ đạo chung các chương trình mục tiêu quốc gia và đơn vị giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo nguyên tắc, yêu cầu như đối với với Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, cụ thể: đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình, khẩn trương thực hiện thủ tục phân bổ và giao kế hoạch vốn; đề xuất và phê duyệt danh mục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc Dự án 1; hướng dẫn triển khai nội dung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Để việc triển khai đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm việc truyền thông, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; quy trình, công cụ, phần mềm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; quy trình, công cụ, phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; nội dung, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025….
Hồng Vũ