An Giang: "Chìa khoá" để thực hiện giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS
Để giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS, một trong những giải pháp đó là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trong vùng.
Tại An Giang, đồng bào các DTTS chiếm khoảng 5,26% dân số của tỉnh, trong đó, đông nhất là đồng bào Khmer, Chăm, Hoa.
Nhận thấy tầm quan trọng trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng DTTS chính là “chìa khoá” để thực hiện giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, ngành và cộng đồng xã hội ở An Giang đã tích cực vào cuộc triển khai các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trong vùng và đã đạt nhiều kết quả.
Theo đó, tỉnh đã đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS.
Năm 2022 - 2023, tổng kinh phí phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS trên 30,1 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên đổi mới, đa dạng hình thức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh và người lao động là đồng bào DTTS.
Bên cạnh việc đào tạo, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động như tổ chức các phiên giao dịch việc làm và chia sẻ thông tin để kết nối trực tiếp giữa người lao động và doanh nghiệp, như ngày hội tư vấn học nghề và việc làm ở huyện Chợ Mới, huyện Tân Châu; phiên giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Thoại Sơn vào giữa tháng 7/2023,... Đặc biệt là tăng cường phối hợp thông tin về thị trường lao động, việc làm giữa các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long để chuyển tải thông tin giúp người lao động trong tỉnh và các doanh nghiệp trong vùng kết nối với nhau.
Nhờ đó đã giúp đồng bào kịp thời tiếp cận thông tin tuyển sinh học nghề, chính sách hỗ trợ đào tạo, lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình và yêu cầu của thị trường lao động.
Đến nay, tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức được 73 điểm, cụm tư vấn và 37 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố; có 1.284 doanh nghiệp và 25.282 lao động tham gia đăng ký được tư vấn và tìm việc làm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang có 7 xã khu vực III và 9 xã thuộc khu vực I. Giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 151.000 lao động (lao động vùng biên giới, dân tộc chiếm khoảng 55%); đào tạo nghề cho gần 139.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên từ 53,3% năm 2016 lên 66,58% năm 2021. Đến nay, An Giang đã tuyển sinh đào tạo hơn 4.200 học sinh, sinh viên, học viên là đồng bào DTTS. Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 3.090 người.
Với những giải pháp thiết thực trên nên số hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh giảm theo từng năm, giảm bình quân 3,79%/năm, đời sống của bà con từng bước cải thiện rõ nét, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững.