Xây dựng kế hoạch giảm nghèo đa chiều chi tiết đến từng hộ gia đình
Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo ở Bình Định đạt 2,89%, với hơn 12.600 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, các địa phương phải xây dựng kế hoạch chi tiết đến từng cấp xã, cụ thể phương án giúp từng hộ thoát nghèo bền vững.
Huyện miền núi An Lão là huyện nghèo của tỉnh Bình Định. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện An Lão có 9.493 hộ dân, nhưng có đến 4.127 hộ nghèo đa chiều (chiếm 43,47%). Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện An Lão giảm trên 9%/năm, trong đó tỉ lệ hộ nghèo đa chiều hằng năm giảm trên 7%.
Giai đoạn 2021-2023, bình quân mỗi năm huyện An Lão giảm 9,19% tỷ lệ nghèo đa chiều.Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện An Lão là 33,57% với 3.187 hộ, giảm 9,9% so với năm 2022, tương ứng có 940 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Trên địa bàn huyện An Lão hiện còn hơn 1.000 hộ có nhà ở đơn sơ. Tập trung vào nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo, nghèo đa chiều ở An Lão còn cao là do người dân còn khó khăn về nhà ở, tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, nhờ chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5-2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 1.202 hộ nghèo vì không có đất sản xuất; 3.558 hộ nghèo vì không có vốn sản xuất, kinh doanh; 6.100 hộ nghèo vì không có lao động; 3.204 hộ nghèo vì không có công cụ, phương tiện sản xuất; 1.763 hộ nghèo không có kiến thức về sản xuất; 2.176 hộ nghèo không có kỹ năng lao động, sản xuất; 8.133 hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn…
Theo thống kê này, tới đây, các sở, ban, ngành chủ động, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố cùng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững cho từng hộ nghèo. Năm 2024, Bình Định phấn đấu giảm 8.797 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2%.
Để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của năm 2024, các địa phương phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chi tiết đến từng cấp xã, cấp huyện; phải xác định rõ thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên của hộ theo 8 nguyên nhân nghèo. Từ đó có các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của hộ để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Lan toả tinh thần vươn lên thoát nghèo
Theo bà Diệu Hạnh, qua thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Nhiều mô hình, sáng kiến hay đã phát huy hiệu quả; nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.
Về tấm gương nỗ lực vươn lên thoát nghèo ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định, không thể không nhắc đến anh Đinh Văn Cho (33 tuổi, ở thôn 2, xã An Quang).
Nơi anh Cho sinh ra và lớn lên thuộc xã đặc biệt khó khăn, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Gia đình 5 người gồm mẹ già, 2 con nhỏ, vợ không có việc làm ổn định nên cuộc sống của người đàn ông dân tộc thiểu số ấy thường xuyên thiếu trước, hụt sau. Họ mơ ước có căn nhà kiên cố nhưng thật khó khăn.
Năm 2021, anh Cho được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được Nhà nước hỗ trợ 3 con lợn giống. Có vốn, có con giống và được tập huấn kiến thức nuôi lợn, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua thêm 10 con lợn thịt để nuôi. Vợ chồng anh còn nấu rượu lấy hèm nuôi lợn, buôn bán nhỏ lẻ. Dần dần, số vốn tích lũy lớn hơn, vợ chồng anh mở rộng buôn bán thêm một số mặt hàng thiết yếu, trồng 5 ha keo làm nguyên liệu giấy…
Từ một gia đình quanh năm nghèo đói, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực học tập và ý chí sáng tạo vươn lên thoát nghèo, gia đình anh Cho đã có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình. Bình quân thu nhập hằng năm của gia đình trên 150 triệu đồng. Không chỉ có căn nhà kiên cố như mơ ước, con cái của anh được học hành, các dịch vụ xã hội cơ bản được tiếp cận đầy đủ.
Kể về hành trình thoát nghèo của mình, anh chia sẻ, thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo bền vững; đồng thời, là một tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con trong làng, trong xã phấn đấu thoát nghèo.
Nhằm lan tỏa tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, sau khi cuộc sống ổn định, năm 2022, anh Cho viết đơn xin thoát nghèo.
Minh An