Tuyên Quang thúc đẩy bảo hiểm y tế toàn dân – lưới an sinh cho giảm nghèo bền vững
Để đạt mục tiêu bao phủ BHYT đạt 95,65% dân số trong năm 2022, ngành BHXH tỉnh Tuyên Quang đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.
Tại tỉnh Tuyên Quang, bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang khẳng định vai trò là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được thụ hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là với nhóm yếu thế, trong đó bao gồm người nghèo. Do đó, thời gian qua, bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã vượt khó, triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nỗ lực hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Cải thiện chất lượng, bao phủ bằng nhiều giải pháp
Năm 2022, tỉnh được giao bao phủ BHYT đạt 95,65% dân số. Để đạt được mục tiêu đó, ngành BHXH đã tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Trong đó, tập trung đăng tải các chuyên trang, chuyên mục trên website; phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức các hội nghị truyền thông, tập huấn...
BHXH tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 169 hội nghị tư vấn chính sách BHXH, BHYT với trên 3.000 lượt người tham gia. Toàn tỉnh hiện có trên 480 nhân viên đại lý thu được ví như “cánh tay nối dài” của ngành bảo hiểm. Các nhân viên này cũng tích cực, chủ động tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tính nhân văn của việc tham gia BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình.
Cùng với đó, những năm qua quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia cũng được mở rộng cả về phạm vi và mức hưởng. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện; người dân được tiếp cận với nhiều máy móc, dịch vụ y tế hiện đại; được điều trị các bệnh hiểm nghèo với các loại thuốc chi phí cao thuộc danh mục BHYT chi trả...
Công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cũng được ngành BHXH tỉnh tích cực thực hiện. Trong đó, việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên Ứng dụng VssID, hình ảnh thẻ tích hợp tại căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế thẻ giấy là một trong những tiện ích vượt bậc. Người dân cũng dễ dàng theo dõi quá trình đóng - hưởng, các chế độ được hưởng, gia hạn thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến.
Tính đến giữa tháng 9, BHXH tỉnh đã nhận được 2.899 hồ sơ, tương ứng với 6.535 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT qua hệ thống phần mềm liên thông. Toàn tỉnh hiện có 170/170 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng CCCD gắn chíp để khám chữa bệnh BHYT đạt 100%...
Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh Tuyên Quang có 738.435 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,34%, đạt 96,7% chỉ tiêu so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Đặt mục tiêu 2025 bao phủ BHYT toàn dân
Đầu năm nay UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu chung là mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu tỷ lệ người tham gia BHYT/dân số cụ thể theo từng năm, phấn đấu đến năm 2025, đạt 100%.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, BHXH tỉnh được giao nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT.
Trong đó, tăng cường truyền thông về chính sách pháp luật về BHYT đến tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt quan tâm tuyên truyền đến các đối tượng không tiếp tục được cấp thẻ BHYT do thay đổi chính sách đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc; người thuộc hộ gia đình nghèo thoát nghèo… để người dân hiểu rõ về vai trò, quyền lợi, ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHYT đối với cuộc sống của mình, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chuyển sang tham gia BHYT theo hình thức tự đóng phí...
Bên cạnh đó, kết hợp giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống với các hình thức truyền thông số, truyền thông đa phương tiện; kết hợp giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, tiện ích cho người dân ở mọi lứa tuổi.
Thứ 2, BHXH tỉnh có nhiệm vụ nâng cao chất lượng, năng lực, tinh thần trách nhiệm, cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng mức độ hài lòng của người tham gia BHYT để lan tỏa, thu hút nhiều người dân tham gia.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính khám chữa bệnh BHYT, thay đổi tác phong phục vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; tiếp tục hỗ trợ cài đặt sử dụng, ứng dụng VssID để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng; đơn giản hóa các quy trình thủ tục đăng ký đóng - hưởng BHYT; bảo đảm giải quyết kịp thời, thuận tiện, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT.
v.v...
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tổ chức thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT hàng năm tại địa phương; Căn cứ chỉ tiêu UBND tỉnh giao hằng năm, xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn; giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn; đánh giá việc thực hiện trong báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội hằng tháng của địa phương;
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan BHXH trong việc rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT đầy đủ cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng…để hưởng chính sách về khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của nhà nước.
V.v...
Ngọc Cương, Ánh Tuyết, Lệ Yên