Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh về dưới 1%.
Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tây Ninh hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó, UBND tỉnh Tây Ninh đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn dưới 1% và bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đưa ra các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT.
Về giáo dục, đào tạo, phấn đấu trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Phấn đấu trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 95% (đối với khu vực thành thị), trên 90% (đối với khu vực nông thôn) sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chương trình sẽ triển khai 5 dự án dưới đây:
Dự án thứ nhất là Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo do Sở LĐ-TB&XH chủ trì. Dự án nhằm hỗ trợ đa dạng hoá sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.
Dự án thứ 2 là Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và Sở Y tế chủ trì tiểu dựán cải thiện dinh dưỡng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Dự án thứ 3 là Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động.
Dự án thứ 4 là Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin và Sở LĐ-TB&XH thực hiện tiểu đề án truyền thông về giảm nghèo đa chiều.
Mục tiêu nhằm tăng cường thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cho người dân sinh sống ở các xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu nghèo bền vững.
Và dự án thứ 5 là Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình do Sở LĐ-TB&XH chủ trì. Dự án nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững và tổ chức giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện đạt được mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật.
Tổng nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình dự kiến là 81 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 70 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 11 tỷ đồng. Ngoài ra còn các nguồn vốn huy động, lồng ghép hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động của Dự án và chăm lo đời sống cho người nghèo.
Theo kết quả rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, cuối năm 2012, toàn tỉnh Tây Ninh có 13.696 hộ nghèo và hộ cận nghèo (7.308 hộ nghèo, 6.388 hộ cận nghèo) chiếm tỷ lệ 4,89% so với tổng số hộ. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm xuống còn 4.354 hộ (2.395 hộ nghèo, 1.959 hộ cận nghèo) chiếm tỷ lệ 1,49%, đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2013-2015 là còn dưới 2%. Trong giai đoạn 2016-2020, phương pháp đo lường nghèo chuyển đổi từ đơn chiều sang đa chiều. Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh (nghèo, cận nghèo) đầu giai đoạn là 4,32%. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn lại 2.502 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,79%, giảm 3,53% (hộ nghèo giảm 2,10%, hộ cận nghèo giảm 1,43%). Như vậy, ở thời điểm này, Tây Ninh đã không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng chính sách giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 5.804 hộ, tỷ lệ 1,81%. Trong đó, có 2.064 hộ nghèo, tỷ lệ 0,64%; có 3.740 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,17%. |
Bạt Tuấn, Vân Anh, Anh Dũng