Gia Lai phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững
Tỉnh sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường giảm nghèo trong đồng bào DTTS; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và ASXH bền vững...
Tỉnh Gia Lai có nhiều khu vực địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, mất mùa, dịch bệnh với cây trồng, vật nuôi,… làm tác động trực tiếp lên thu nhập và đời sống của người dân.
Hiện tỉnh có 01 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 07 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi; đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số, trình độ sản xuất của nhiều hộ đồng bào vẫn còn dựa trên nền tảng đơn giản, lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên; một số phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu dùng; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, cần đầu tư nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai còn 45.688 hộ nghèo, chiếm 12,09% tổng số hộ dân trong tỉnh. Số hộ nghèo đồng bào DTTS 40.475 hộ, chiếm tỷ lệ 25,58% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh. Còn 33.866 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,96% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Số hộ cận nghèo đồng bào DTTS là 24.839, chiếm tỷ lệ 15,70% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân thiếu tính ổn định, giá cả lên xuống thất thường cộng với việc người dân thiếu thông tin về thị trường dẫn đến hiệu quả kinh tế của nhiều mô hình sản xuất kinh doanh thấp.
Nhận thức của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác giảm nghèo bền vững còn thấp, ít quan tâm và đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu tính ổn định, một bộ phận có trình độ, năng lực thấp, chưa theo kịp tốc phát triển của xã hội...
Một bộ phận người nghèo có tâm lý lười lao động, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thiếu ý thức tự vươn lên thoát nghèo...
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng những năm qua công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để thực hiện hiện quả các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường giảm nghèo trong đồng bào DTTS; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững…; hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm trên 3% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên.
Kế hoạch cũng đặt ra một số kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu giảm trên 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 5 mô hình, dự án giảm nghèo phù hợp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Có ít nhất 1.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; Có ít nhất 100 người lao động thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
V.v...
Kết hợp nhiều giải pháp
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra một số giải pháp.
Về giải pháp huy động vốn, lồng ghép nguồn lực, ngân sách Trung ương giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Trung ương; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh...
Về giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính quyền các cấp tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo; chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của địa phương.
Về giải pháp tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội;
Cùng với đó, đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Gia Lai chung tay vì người nghèo"; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
V.v...
Đỗ Phương, Lê Anh Dũng, Bích Phương