Rút ngắn khoảng cách về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền

Theo Bộ Y tế, cần phải đưa mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hành động cụ thể về dinh dưỡng trong các chương trình dành cho 3 đối tượng ưu tiên của Đảng và Chính phủ hiện nay là người nghèo/cận nghèo, đồng bào DTTS và nông dân,

Mới đây, Bộ Y tế đã ra quyết định ban hành kế hoạch hoạt động tổng thể của bộ y tế thực hiện “cải thiện dinh dưỡng” trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quan tâm hàng đầu: sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền...

Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình dinh dưỡng giai đoạn 2016-2020, theo Bộ Y tế, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng nhân dân. Nhiều chương trình, dự án về dinh dưỡng đã được Nhà nước trực tiếp đầu tư, dự án hợp tác quốc tế và công tác xã hội hóa về dinh dưỡng được tăng cường. 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em và bà mẹ đã giảm đáng kể. Tình trạng SDD thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi, là một chỉ số đánh giá sự phát triển và mức độ bình đẳng của mỗi quốc gia) đang giảm dần, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ SDD thấp còi toàn quốc giảm từ 29,3% xuống 19,6%. Tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8%.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Y tế, một trong những quan tâm hàng đầu cho chiến lược giai đoạn mới là sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền, nhất là giữa thành thị, vùng đồng bằng với miền núi, vùng khó khăn; giữa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người nghèo/cận nghèo với người Kinh và người đảm bảo thu nhập. 

Theo các số liệu từ hệ thống giám sát dinh dưỡng 2019, vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ SDD cao so với trung bình cả nước, nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Cụ thể, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần và tỷ lệ SDD nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).

Tỷ lệ thiếu Vitamin A, thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi đã có nhiều cải thiện nhưng kết quả vẫn chưa đạt được theo mong muốn. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng 25,6% và 16,2%. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Tỷ lệ Vitamin A trong sữa mẹ thấp là 18,3%. 

Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi là 58% năm 2020; phụ nữ có thai là 63,5%. Tại các vùng núi, vùng khó khăn, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em còn rất cao, và vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Sự khác biệt lớn về tình hình dinh dưỡng giữa các vùng, miền... là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Ảnh minh họa

Mặc dù đã có hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ trẻ em trong giai đoạn vừa qua, nhưng chương trình bữa ăn học đường và chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh chưa được quan tâm đúng, đủ. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, hộ nghèo tại các vùng thành thị cũng chưa được quan tâm, bao gồm giáo dục tư vấn và các mô hình can thiệp phù hợp. 

Đồng thời, việc cắt giảm ngân sách đối với chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em đã làm hạn chế các hoạt động dinh dưỡng. Vấn đề thiếu nguồn lực triển khai các hoạt động can thiệp, thiếu đội ngũ cán bộ làm dinh dưỡng tuyến cơ sở sẽ là vấn đề còn tồn tại, là lỗ hổng cần phải giải quyết để giúp cho mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng miền núi, ven biển và hải đảo.

Theo Bộ Y tế, tình trạng dinh dưỡng, tỷ lệ SDD cao ở trẻ em vùng nghèo, khó khăn, miền núi và đồng bào DTTS sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. 

Do đó, cần phải đưa mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hành động cụ thể về dinh dưỡng trong các chương trình dành cho 3 đối tượng ưu tiên của Đảng và Chính phủ hiện nay là người nghèo/cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nông dân; và điều này mới có thể rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ suy dinh dưỡng và tầm vóc, trí lực giữa trẻ em thành thị với trẻ em nông thôn, miền núi và vùng khó khăn.

Nâng cao năng lực cho các địa phương thực hiện được các can thiệp trực tiếp 

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế đưa ra Mục tiêu chung cho Kế hoạch là: Quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật địa phương nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trẻ em sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Theo đó, chương trình đề ra các mục tiêu cụ thể như: Rà soát, xây dựng, cập nhật, ban hành các hướng dẫn chuyên môn cụ thể về cải thiện dinh dưỡng nhằm giúp địa phương triển khai thực hiện Chương trình đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, hiệu quả và chất lượng; Nâng cao năng lực cho các địa phương thực hiện được các can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phụ nữ tuổi sinh đẻ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo;

Nâng cao năng lực tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo chất lượng và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) tại các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển, hải đảo; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và tư vấn cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em 0-16 tuổi.

Cùng với đó, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản; tăng cường nguồn lực và vai trò phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em 0-16 tuổi; Tăng cường công tác theo dõi, giám sát, khảo sát, đánh giá và báo cáo nhằm nội dung cải thiện dinh dưỡng thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Trên cơ sở các mục tiêu, Bộ Y tế đề ra bộ giải pháp gồm: Giải pháp về chính sách và điều hành; nhân lực; Truyền thông; Chuyên môn kỹ thuật; Nghiên cứu khoa học; Theo dõi, giám sát, đánh giá.

Chẳng hạn, trong Giải pháp chính sách và điều hành, Bộ Y tế đặt nhiệm vụ: Thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định có liên quan/hỗ trợ cho dinh dưỡng đã ban hành; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản chuyên môn về dinh dưỡng nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế; Xây dựng các chính sách mới liên quan đến dinh dưỡng nhằm đáp ứng các vấn đề dinh dưỡng mới nổi và cấp thiết, v.v...

Đối với Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật, các nhiệm vụ đặt ra là: Xây dựng, chuẩn hóa, phổ biến quy trình, hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu; Đưa quy định và thực hiện việc đánh giá chất lượng can thiệp vào tiêu chí đánh giá hàng năm của các cơ sở y tế; Thực hiện các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu tại cộng đồng’; Triển khai chương trình bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng tại trường học, kết hợp gia đình và nhà trường trong đảm bảo dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý; Xây dựng và triển khai kế hoạch sẵn sàng ứng phó khẩn cấp hàng năm, chuẩn bị về nhân lực và vật tư thiết yếu.

V.v...

Tháng 7 vừa qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến triển khai Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”. 

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trong 5 năm (2022-2027) Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” kỳ vọng sẽ giúp 1 triệu trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng bãi ngang, hải đảo… được hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện khẩu phần ăn; Hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch – Cơm ngon” tới 250 điểm trường bán trú, nội trú tại 250 xã khó khăn vùng núi, biên giới; 

Giúp 4 triệu người chăm sóc trẻ tại các tỉnh, thành phố được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em; Cuối cùng là hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm thông qua việc vận động các cửa hàng, quán ăn tham gia vào hoạt động chia sẻ thực phẩm an toàn. 

Bà Phạm Thị Quyên, Chuyên viên Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: Với tổng kinh phí dự kiến trên 47 tỷ đồng, chương trình sẽ phân bổ theo 2 giai đoạn, giai đoạn thí điểm diễn ra từ tháng 6/2022 – 5/2023, còn giai đoạn nhân rộng kéo dài trong 4 năm từ tháng 6/2023-5/2027.

Trước đó, tháng 3 năm nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra mắt Dự án "Dinh dưỡng cho em" với mục đích giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị thấp còi, suy dinh dưỡng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng, tầm vóc mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho trẻ em nghèo, đặc biệt đối tượng trẻ em nghèo vùng biên giới thông qua việc thiết lập hệ thống các Ngân hàng Thực phẩm, Quán cơm xã hội, ATM thuốc tại các vùng có tỷ lệ trẻ em thấp còi, suy dinh dưỡng, vùng đặc biệt khó khăn trên cả nước.

Chí Hùng, Thục Anh, Lê Dũng

Quảng Bình: Nguồn vốn ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho người dân Quảng Bình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bắc Kạn hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành

Chiều 31/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức trao tặng 176 chiếc điện thoại thông minh trong chương trình Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường thí điểm chuyển đổi số năm 2023.

Mộc Châu tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La tổ chức chương trình trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mộc Châu.

970 hộ nghèo Nghệ An được hỗ trợ xây dựng nhà ở

Tính đến hết quý III/2023, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ xây dựng 970 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Sơn La phấn đấu năm 2025 không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La triển khai nhiều biện pháp huy động nguồn lực để xóa nhà tạm cho các hộ nghèo.

Kỳ Anh huy động nguồn lực hỗ trợ cho người yếu thế, hộ đặc biệt khó khăn

Thời gian qua, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, thường xuyên hỗ trợ về nhiều mặt đối với người yếu thế, các hộ đặc biệt khó khăn.

Thuận Châu phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025

Huyện Thuận Châu (Sơn La) tập trung nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu đưa huyện thoát nghèo năm 2025.

Tủ sách cộng đồng giúp người dân Yên Bái giảm nghèo thông tin

Tỉnh Yên Bái đã xây dựng và duy trì hiệu quả tủ sách cộng đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin phục vụ đời sống.

Người dân Thu Lũm được chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) được chú trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.

Điện Biên nỗ lực đưa nước sạch đến người dân vùng sâu, vùng xa

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh.