Quảng Hoà: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy giảm nghèo hiệu quả
Các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp các hộ nông dân, trong đó có các hộ nghèo ở huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) có cơ hội thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững...
Liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết... là hướng đi mới giúp nông dân huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Quảng Hòa có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 13.598,4 ha; hệ thống đường giao thông, kênh mương thủy lợi được tăng cường đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa trên 80%, tạo điều kiện cho huyện phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững từ nông nghiệp, hằng năm, huyện Quảng Hoà đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Tuyên truyền nông dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng nâng cao mẫu mã, chất lượng an toàn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Chủ động đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp về sản xuất, chế biến sâu, bảo quản, đóng gói, quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, huyện đẩy mạnh công tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huyện tích cực mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Hoà có trên 21 doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Nhiều địa phương trong huyện đã có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo triển khai Dự án liên kết trồng ngô ngọt với trên 500 hộ tham gia, diện tích 98,2 ha tại 5 xã: Quảng Hưng, Phúc Sen, Độc Lập, Mỹ Hưng, Phi Hải; năng suất ngô bắp tươi (nguyên bao) đạt trên 110 tạ/ha, cho thu nhập trên 41 triệu đồng/ha/vụ. Hay trồng đỗ tương, rau với 30 hộ tham gia, diện tích 6 ha tại 3 xã: Quảng Hưng, Phúc Sen, Phi Hải, năng suất đạt 130 tạ/ha, cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha. Phối hợp với Công ty Syngenta triển khai mô hình ngô lai NK6275 với diện tích 0,15 ha tại xã Quốc Toản, năng suất đạt 65 tạ/ha...
Những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật này đã giúp các hộ nông dân, trong đó có các hộ nghèo có cơ hội thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững...