Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo mục tiêu tăng năng suất lao động
Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển KT-XH đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục GDNN, chất lượng đào tạo nhân lực của Việt Nam chỉ đứng 102/141 quốc gia có xếp hạng, năng suất lao động chỉ bằng 1/10 Singapore. Kỹ năng của lao động Việt Nam cũng chỉ có 46/100 điểm, xếp thứ 103 và kém xa với nhóm ASEAN-4.
TS Phan Chính Thức, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam, cho rằng, còn một hố sâu khoảng cách giữa đào tạo và kỹ năng lao động khi làm việc của Việt Nam. Trong khi đó, kỹ năng lao động chính là chỉ số quan trọng trong năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải nâng cao kỹ năng lao động để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện nay, thị trường lao động biến đổi nhanh chóng kéo theo yêu cầu về kỹ năng lao động cũng thay đổi rất nhanh. Nếu như trước đây, người lao động sẽ học 1 lần và làm việc suốt đời thì hiện giờ, người lao động sẽ phải học tập suốt đời để thích ứng với công việc.
Hồi giữa năm vừa qua, Hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khu vực Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc được tổ chức tại Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng.
Phát biểu mở màn hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, để thực hiện được mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, ở cấp vĩ mô cần phải có những hành động đột phá, dám nghĩ dám làm, ở cấp cơ sở là các trường, các cơ sở giáo dục cần đổi mới tư duy, sẵn sàng thay đổi.
Báo cáo trước các đại biểu tham bà Khương Thị Nhàn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Tổng cục GDNN trình bày về việc triển khai chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, dựa theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu của chung của chiến lược phát triển GDNN là: Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Trong thực tiễn triển khai chiến lược, mục tiêu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 là: Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Trong đó, một số chỉ tiêu chủ yếu: Thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; Ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
Bên cạnh đó, phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó: 03 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 06 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 05 -10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.
Mục tiêu phát triển GDNN đến năm 2030 là: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn này bao gồm: Thu hút 50 - 55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 40% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 50%; Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 40%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%; Ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại; Phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.
Và, phấn đấu có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó: 06 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 60 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và 06 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 15 - 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp; Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, giải pháp số hai là "Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo" và giải pháp số ba là "Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp" được xác định là giải pháp đột phá.
Hồng Vũ