Lào Cai đẩy mạnh đào tạo nghề và tạo việc làm tại 10 xã “lõi nghèo”
Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số, nhất là ở 10 xã “lõi nghèo”. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Hiện tại tỉnh miền núi Lào Cai vẫn còn 10 xã lõi nghèo. Trong đó, huyện Mường Khương có 5 xã (La Pán Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin); Bắc Hà có 2 xã (Lùng Cải, Hoàng Thu Phố); Bát Xát có 2 xã (Dền Thàng, Pa Cheo) và huyện Văn Bàn có 1 xã Nậm Chày.
Phát huy vai trò của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở vùng “lõi”, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh đã tích cực khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, cùng với đó triển khai, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã nghèo theo Đề án 10-ĐA/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng LĐTBXH các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà và Văn Bàn làm việc với UBND 10 xã để khảo sát nhu cầu việc làm trên địa bàn và tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
Cùng với đó, TTDVVL tỉnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng các hình thức, phương tiện đa dạng như: truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, Zalo, Facebook...

Thông qua khảo sát, Trung tâm đã nắm bắt được tình hình lao động việc làm của 10 xã nghèo: số lượng người lao động trong độ tuổi, số lao động đã có việc làm, số lao động có nhu cầu về việc làm... Trong tình hình địa phương bị ảnh hưởng sau dịch bệnh Covid -19, Trung tâm cũng chủ động nắm bắt số liệu lao động đi làm và trở về địa phương.
Song song với đó, Trung tâm tích cực liên hệ, kết nối, phối hợp với gần 20 doanh nghiệp ngoài tỉnh tuyển dụng lao động với số lượng lớn, có môi trường làm việc, lương và các chế độ phúc lợi ổn định vào tỉnh tuyển lao động địa phương.
Năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 12 phiên giao dịch với 550 lao động tham gia. Trong 11 tháng năm 2022, Trung tâm đã phối hợp đưa được 92 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các DN, các khu công nghiệp tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương.
Cũng trong quá trình khảo sát tại 10 xã “lõi nghèo”, TTDVVL tỉnh cũng nhận thấy, thực tế vẫn còn có xã chưa quan tâm nhiều đến vấn đề lao động, việc làm; chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; chưa nắm bắt được tình hình lao động việc làm của địa phương.
Trình độ tay nghề lao động tại các xã nghèo còn thấp, lao động đã qua đào tạo chưa nhiều và sau khi đào tạo không ít trường hợp cũng không muốn đi làm do tâm lý không muốn rời xa quê hương. Còn lao động chưa nói được tiếng phổ thông nên việc giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu tuyển dụng ít, trong khi lao động muốn ra ngoài tỉnh làm việc phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động trong độ tuổi lao động nói chung và hỗ trợ cho những xã nghèo nói riêng, năm 2022, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tỉnh lên 32% vào năm 2025; tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2025 tối thiểu là 6%/năm; giảm tỷ lệ thanh niên không đi học, không được đào tạo đến năm 2030 là dưới 5%, người không có việc làm dưới 3,5%; đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động…
Tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trước khi tham gia thị trường lao động.
Cùng với nguồn lực thực hiện nội dung giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và lồng ghép các nguồn lực khác, tỉnh sẽ tập trung tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên đào tạo cho lao động là người dân tộc thiểu số (nhất là ở 10 xã lõi nghèo). Đồng thời, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ các dự án phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương, bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm, mở rộng thị trường lao động, quan tâm giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động vùng giải phóng mặt bằng, vùng đồng bào DTTS.
Để tạo thêm nhiều việc làm cho 10 xã nghèo nhất tỉnh, thời gian tới TTDVVL tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý lao động ngay từ cấp cơ sở, nắm bắt, theo dõi được số lượng lao động hiện có ở địa phương, trình độ, nhu cầu việc làm; nắm chắc được di biến động của lao động thông qua các đơn vị liên quan, v.v…
Trong đó, một vấn đề quan trọng là thiết lập được cơ chế thông tin hai chiều giữa UBND xã và Trung tâm về việc hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, tổ chức phiên giao dịch việc làm.
Đồng thời, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân; tập trung đưa thông tin thị trường lao động, việc làm đến các xã vùng cao, xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã về đích nông thôn mới.
Mạnh Hưng, Lệ Yên, Ngọc Trang