Lạng Sơn: An sinh xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể
An sinh xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, giảm bớt sự phân hóa giàu - nghèo giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng có điều kiện phát triển của tỉnh.
Với địa thế một tỉnh miền núi, Lạng Sơn có 7 dân tộc anh em, trong đó người dân tộc Nùng chiếm 42,97%, Tày chiếm 35,92%, Kinh 16,5%, còn lại là các dân tộc Dao, Hoa, Sán Chay, H'Mông... Toàn tỉnh có gần 159.000 hộ dân tộc thiểu số và có 20.137 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã giành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có Lạng Sơn.
Chỉ tính riêng nguồn vốn thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chương trình 135 giai đoạn 2012 - 2020 là 1.128.949 triệu đồng.
Thực hiện đầu tư, xây dựng 2.584 công trình, trong đó công trình giao thông 1.704 công trình; công trình thủy lợi 131 công trình; công trình giáo dục 552 công trình; trạm y tế xã 35 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa thôn) 61 công trình; công trình nước sinh hoạt tập trung 50 công trình; điện lưới quốc gia 68 công trình; chợ 01 công trình; công trình khác (san lấp mặt bằng; duy tu bảo dưỡng) 17 công trình.
Hỗ trợ phát triển sản xuất cả giai đoạn là 303.047 triệu đồng với 258.683 lượt hộ tham gia, nội dung chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và cận nghèo tập trung vào hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, vật tư phục vụ sản xuất và xây dựng mô hình.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, chính sách khác như: Dự án định canh định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg. Thực hiện 03 dự án định canh, định cư (01 dự án định canh định cư tập trung; 02 dự án định canh định cư xen ghép) thực hiện ổn định cho 65 hộ đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao với 296 nhân khẩu. Tổng kinh phí thực hiện là 44.454 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh là 93.741 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 17.144 hộ (nội dung hỗ trợ mua téc, lu chứa nước; vòi dẫn nước; xây bể; đào giếng và tạo nguồn nước sinh hoạt khác); đầu tư xây dựng 23 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 2.899 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 877 hộ.
Thực hiện chính sách theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, Lạng Sơn được phân bổ và thực hiện chính sách giai đoạn 2014 - 2016 được 39.000 triệu đồng. Trong đó, đầu tư thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 10.855 triệu đồng và đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung 11.435 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 724 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ 5.850 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề mua sắm máy nông cụ cho 1.170 hộ dân tộc thiểu số nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ 10.860 triệu đồng.
Kết quả thực hiện theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, kinh phí được thực hiện các nội dung hỗ trợ giai đoạn 2017 - 2020 là 44.741 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ đất sản xuất 4.945 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 8.645 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 10.784 triệu đồng; dự án ổn định dân cư: 20.367 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất 1.906,28 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề 8.645 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 10.872 triệu đồng.
Các chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả đã thực sự tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, tạo niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường học, trạm xá, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa... đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự thay đổi về bộ mặt kinh tế xã hội trên vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; khơi dậy ý thức sản xuất hàng hóa, khuyến khích nông dân miền núi vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo và biết cách làm giàu chính đáng.
Nhờ đó, an sinh xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, giảm bớt sự phân hóa giàu - nghèo giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng có điều kiện phát triển của tỉnh, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết, không có các vấn đề nổi cộm, phức tạp về dân tộc, tôn giáo; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, yên tâm gắn bó với quê hương, xây dựng đời sống mới; an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hồ Nhụy, Ngân Phương, Kiều Oanh