Mục tiêu tỉnh Gia Lai đặt ra là thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia Lai tập trung tăng khả năng tiếp cận các chỉ số đo lường giảm nghèo đa chiều
Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ngay từ đầu năm 2023, các địa phương tại Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sát với yêu cầu thực tế.
Tổng cục Thống kê cuối năm 2022 cho biết theo chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, Gia Lai là một trong các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước (22,7%). Tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng dân tộc thiểu số.
Theo bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao so với cả nước. Cụ thể, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 10% và 37.253 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,72%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 21,26%, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm 17,66%.
Tới năm 2023, theo rà soát mới nhất do UBND tỉnh Gia Lai công bố tháng 11, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 8,11% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng số hộ cận nghèo là 35.749 hộ, chiếm tỷ lệ 9,21% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Riêng với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, có hơn 28.100 hộ nghèo và hơn 27.800 hộ cận nghèo, tương đương lần lượt là 17,05% và 16,87% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Như vậy, riêng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 7.000 hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chủ yếu là hộ dân tộc thiểu số. Những kết quả này đã đạt và vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Huyện Đak Pơ của tỉnh Gia Lai hiện còn gần 2.000 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm khoảng 15% số hộ. Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, huyện Đăk Pơ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ theo hướng “trao cần câu hơn xâu cá” để người dân có tư liệu, công cụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Đinh Thị Trạm ở làng Groi, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai trước đây là hộ nghèo. Năm 2018, gia đình chị Trạm được hỗ trợ vay vốn theo diện hộ nghèo với số tiền 47 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách- xã hội huyện Đak Pơ để trồng 2 ha keo. Từ số tiền tích góp và nỗ lực từ bản thân, đến nay, gia đình chị có 4 ha keo, 5 sào sắn và chăn nuôi thêm heo, bò. Đầu năm 2023, sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, vợ chồng chị Trạm đã xây được ngôi nhà mới và được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của làng Groi.
Đến nay, 7/8 xã, thị trấn của huyện đã tổ chức đào tạo nghề nông thôn cho khoảng 1.500 người, cấp trên 21.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số vùng II, III và người Kinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn.
Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, gia đình anh Rơmah Bya (tổ 6, thị trấn Chư Prông) đã vươn lên thoát nghèo. Theo đó, năm 2008, gia đình anh Bya vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua 1 con bò sinh sản. Thấy nuôi bò có lãi, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng, rồi tăng lên 50 triệu đồng để chăn nuôi và cải tạo vườn tạp trồng cà phê. Gia đình anh đã chính thức thoát nghèo.
Còn tại huyện Chư Păh, nơi có nhiều xã thuộc diện khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao, với nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, tập huấn đến tăng cường các dự án đầu tư, năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm 3,82% so với năm 2021.
Ông Trường Trung Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, cho biết trong năm 2024, tỉnh Gia Lai tiếp tục phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm ở mức 2%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Còn Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho hay với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Điều này nhằm tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân thiếu hụt các chỉ số đo lường giảm nghèo đa chiều chưa được tiếp cận.
Minh An