Điện Biên: Tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác phổ biến kiến thức pháp luật tới đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, Phòng Dân tộc huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã có những hoạt động tuyên truyền mang lại hiệu quả cao.
Thời gian qua, Phòng Dân tộc huyện Điện Biên phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện Đề án Phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tập trung vào các luật như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Biên giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới; chính sách với người cao tuổi, người khuyết tật, phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Từ tháng 8 - 11/2023, Phòng Dân tộc huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho chị em phụ nữ dân tộc Mông ở các thôn bản khác nhau về Luật Hôn nhân gia đình. Các lớp này đã có hơn 2.000 chị em tham gia.
Chị Vàng Thị Sua (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) chia sẻ, nhờ có các buổi tập huấn, học tập này mà chị đã biết được nhiều kiến thức về pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chị Sua đã hiểu về tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết. Trước đây, trong cộng đồng dân tộc nơi chị Sua sinh sống, việc lấy chồng từ năm 13, 14 tuổi là điều bình thường, thậm chí có cảnh con anh lấy con em… Hiện tại, chị Sua biết điều đó là vi phạm pháp luật, không được kết hôn trong cùng huyết thống để tránh suy thoái giống nòi.
Với những phụ nữ ở thôn bản như chị Sua trước đây chỉ biết lên nương rẫy làm việc, tối trở về gia đình thì hiện nay đã biết làm thêm những công việc khác nhau. Con cái cũng được ưu tiên cho đi học, không có suy nghĩ cho lập gia đình sớm như trước.
Đặc biệt, hai vợ chồng được san sẻ công việc, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng nâng lên. Chị Sua cũng thường xuyên tuyên truyền cho các chị em trong bản không được cho con cái tảo hôn.
Phòng Dân tộc huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn cho người đứng đầu thôn, bản, người có chức sắc, uy tín, các hội phụ nữ, người cao tuổi trong bản để họ tuyên truyền phổ biến pháp luật tới nhân dân.
Nhờ huy động sức mạnh của cả cộng đồng nên công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Điện Biên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, đời sống của người dân đã thay đổi, an ninh trật tự được giữ vững.
Tuy nhiên, theo Phòng Dân tộc huyện, hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn một số hạn chế vì điều kiện đi lại khó khăn. Nhiều thôn bản cách thị trấn huyện tới 30 – 40km, cán bộ tuyên truyền đi mất nửa ngày mới tới nơi. Khi đó, người dân lại đi làm nương nên họ phải chờ tới tối người dân về mới tổ chức họp dân phổ biến kiến thức pháp luật.
Ngoài ra, đại đa số đồng bào dân tộc là người Thái, người Mông với trình độ nhận thức còn hạn chế. Nhiều người không hiểu biết rõ về pháp luật dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, nhất là trẻ em.
Ông Lò Văn Hạnh – Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên cho biết, trong huyện có nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới nên việc tuyên truyền cho bà con cần phù hợp với từng vùng.
Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện Điện Biên xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Phòng cũng phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh, phối hợp với Đồn Biên phòng tuyên truyền về an ninh biên giới, Luật Đất đai, chống kết hôn cận huyết, tảo hôn. Tùy nội dung tuyên truyền, có thể tuyên truyền tới tận thôn bản, gặp trực tiếp đồng bào sống ở khu vực đó.
Quá trình tuyên truyền còn bất cập về ngôn ngữ nên Phòng Dân tộc đã có nhiều đổi mới khác nhau. Ví dụ, người Mông dùng tuyên truyền viên người Mông, người Thái thì do báo cáo viên là người Thái để trao đổi thuận tiện.
Ở các xã trung tâm vùng ngoài có sóng điện thoại, internet, có thể thành lập các nhóm trong thôn bản để chia sẻ, thông báo các nội dung phổ biến kiến thức pháp luật trong chính hội nhóm để người dân nắm được thông tin.
Phương Anh