Trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang giải ngân cho 18.890 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 587 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho 3.532 lao động, 52 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng 11.100 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường...
Để giảm nghèo đa chiều, bền vững, Tiền Giang hỗ trợ người dân 'đúng và trúng'
Nhiều địa phương ở Tiền Giang rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, phản ánh đúng thực trạng, từ đó tìm hiểu nguyên nhân để đề xuất giải pháp cụ thể.
Mỹ Phong là xã vùng ven của TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Phong đã chú trọng quan tâm đến công tác phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện thoát nghèo.
Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Bản thân hộ nghèo, cận nghèo đã có sự nhận thức đúng đắn hơn, có ý chí chủ động phấn đấu vươn lên trên cơ sở tiếp cận, sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng.
Gia đình bà Huỳnh Thị Ngọc Loan, tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Loan một mình nuôi con, không họ hàng thân thích, không có đất sản xuất, bà phải làm đủ thứ nghề để nuôi con. Trước đây, ai thuê gì bà cũng làm, có khi đi nhặt ve chai, bán vé số… Bà được các đoàn thể của xã Mỹ Phong và lãnh đạo ấp Mỹ An giới thiệu đi giúp việc cho quán ăn gần nhà, mỗi ngày được trả công gần 100.000 đồng. Với thu nhập hiện tại của bà và con trai, cuộc sống của mẹ con bà đã ổn định hơn trước rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ An, cho biết hộ bà Loan là hộ nghèo nhiều năm, nhưng luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên. Hộ bà Loan sẽ được bình xét, đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của ấp Mỹ An vào đầu năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong Nguyễn Thị Trúc Phương cho biết xã đã rà soát, đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể thoát nghèo. Từ đó tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo để đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện giúp đỡ hiệu quả.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, UBND xã Mỹ Phong còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của xã triển khai thực hiện xuyên suốt các mô hình giảm nghèo, phong trào thi đua có hiệu quả, như: Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp vốn xoay vòng, tiết kiệm, hỗ trợ phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ, đến tận người dân, có hiệu quả và đúng quy định. Người nghèo được tiếp cận một cách nhanh chóng, thuận lợi, phát huy tác dụng của các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tín dụng, thông tin, tiền điện, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, nhà ở và các hỗ trợ đột xuất khác… Từ đó, góp phần giúp đỡ người nghèo cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.
Đặc biệt, Phòng LĐTB&XH thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt Dự án Hỗ trợ phát triển sản suất chăn nuôi bò sinh sản cho xã Mỹ Phong, triển khai ở 4 ấp gồm: Mỹ Lương, Mỹ Hòa, Mỹ Hưng và Mỹ Lợi, cho 10 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, với tổng nguồn vốn gần 500 triệu đồng. Dự án nhằm hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu thoát nghèo.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các hộ chăn nuôi còn được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. Ước tính sau 36 tháng thực hiện dự án, nếu chăn nuôi tốt thì sẽ tăng thêm 20 con bò con. Qua 3 năm chăn nuôi bình quân 1 hộ đạt 17 triệu đồng; 5/10 hộ sẽ thoát nghèo và cận nghèo.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần từng năm, đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,27%. Năm 2023, tỉnh quyết tâm giảm khoảng 1.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (tương đương giảm tỷ lệ khoảng 0,2%, về còn 1,07%).
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn; tích cực hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất; tăng cường giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghề, giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập cho kinh tế hộ…
Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn dưới 1%, tới đây, Tiền Giang tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng về mục tiêu giảm nghèo đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, người nghèo nhằm thay đổi tư duy và chuyển biến sâu sắc nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo để thoát nghèo bền vững.
Minh An