Cuộc giám sát đặc thù đối với 3 Nghị quyết triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia
Giám sát giữa kỳ về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để phát hiện mô hình hay, sáng tạo và kịp thời điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ.
Bởi vậy, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, bố trí chính sách, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Theo đó, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 khoảng 120 nghìn tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương chiếm khoảng 35%, ngân sách địa phương và vốn huy động xã hội hóa chiếm khoảng 41%, vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chiếm khoảng 24%.
Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 25 nghìn tỷ đồng/năm để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và an sinh xã hội.
Địa phương đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền từng giai đoạn 5 năm, hằng năm.
Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Mới đây, đã diễn ra phiên họp đầu tiên triển khai hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia) tại 11 bộ, ngành liên quan; 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe trình bày Kế hoạch giám sát và Quyết định phân công thành viên Đoàn giám sát – Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát; nghe ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát, ý kiến của đại diện các bộ ngành, địa phương: Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội, Kiểm toán Nhà nước… góp ý vào Kế hoạch giám sát.
Trình bày Kế hoạch giám sát và Quyết định phân công thành viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc Nguyễn Lâm Thành cho biết, mục đích của Đoàn Giám sát là đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan và chủ quan của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 03 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Nội dung giám sát, Đoàn Giám sát lựa chọn vấn đề trọng tâm giám sát về mục tiêu, nguyên tắc, nội dung, nguồn lực, địa bàn; chỉ đạo, điều hành, quản lý, cơ chế phối hợp; lồng ghép đối với các Chương trình mục tiêu Quốc gia; việc xây dựng, ban hành và nội dung các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách, lồng ghép phối hợp để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp.
Phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trong phạm vi, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trong phạm vi, nhiệm vụ của Chính phủ và các bộ, ngành và 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự kiến Đoàn Giám sát tổ chức làm việc với 11 bộ, ngành liên quan; tổ chức 3 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc lựa chọn các địa phương giám sát dựa trên tiêu chí đại diện vùng miền, mức độ thụ hưởng của các Chương trình mục tiêu quốc gia….
Giám sát giữa kỳ để phát hiện mô hình hay, sáng tạo và kịp thời điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Việc giám sát tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cơ bản đảm bảo tính đại diện theo vùng miền, tuy nhiên có ý kiến đề nghị tăng thời lượng giám sát tại cơ sở đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi việc triển khai thực hiện và đối tượng thụ hưởng là người dân, đội ngũ cán bộ thôn bản, làng, xã nhằm nắm bắt thực tiễn ở cơ sở. Hơn nữa, qua phản ánh của Văn phòng Điều phối nông thôn mới một số tỉnh cho thấy việc lồng ghép 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn, mong muốn Đoàn Giám sát chỉ rõ bất cập, đề ra giải pháp khắc phục.
Hiện nay các cơ chế, chính sách thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản được Chính phủ và các tỉnh, thành phố ban hành đầy đủ để triển khai trong năm 2022 - 2023. Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức giám sát giữa kỳ là chủ trương hay, thông qua giám sát sẽ kịp thời phát hiện mô hình cách làm hay, sáng tạo, nhưng cũng phát hiện tồn tại, vướng mắc, bất cập để kịp thời điều chỉnh trong giai đoạn triển khai còn lại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan nhìn nhận, đây là cuộc giám sát rất đặc thù đối với 3 Nghị quyết của Quốc hội, có rất nhiều nhiệm vụ và nội dung cần thực hiện. Trong đó, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến nhiều luật, vì vậy, việc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; Cần chú trọng giám sát năng lực của các địa phương trong tích hợp chính sách và lồng ghép nguồn lực; Đề xuất mở rộng phạm vi giám sát đối với một số cơ quan có vai trò quan trọng trong lồng ghép chính sách và tích hợp nguồn lực…
Phó Chủ tịch Quốc hội- Trần Quang Phương , Trưởng Đoàn Giám sát kết luận cuộc họp: Đoàn Giám sát sẽ tiếp thu, chỉnh sửa Kế hoạch giám sát theo hướng giám sát tập trung vào 03 trọng tâm, trọng điểm: Việc phân bổ nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Việc triển khai ban hành chương trình, văn bản hướng dẫn, định mức, chế độ, tiêu chuẩn để triển khai các Chương trình; Sự lồng ghép, phối hợp, điều hành chung của Chính phủ và các bộ, ngành và các địa phương, sự vận hành của Ban chỉ đạo các cấp.
Đây là lần đầu Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tổng hợp đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chuyên đề giám sát rất rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát cần tập trung vào 03 trọng tâm, trọng điểm. Làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu trong tham mưu, xây dựng, ban hành chương trình hành động, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, phát hiện kiến nghị, xử lý, tháo gỡ khó khăn.
"Mục tiêu của hoạt động giám sát là tiếp tục đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá việc triển khai trong thực tiễn có phù hợp, có gây ách tắc trong quá trình triển khai hay không?" Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Hồng Vũ