Cà Mau phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%
Để giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, các mô hình ở Cà Mau không chỉ đòi hỏi khi triển khai cần phù hợp với điều kiện địa phương, đối tượng tham gia, mà còn không thể tràn lan.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều (cả hộ nghèo và cận nghèo) của tỉnh này còn 4,27%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,41%. Kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2023 của UBND tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%.
Tỉnh cũng đặt kế hoạch hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống… Cùng đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sinh kế bền vững; giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Với thông điệp “Trao cần câu hơn trao con cá”, thay vì hỗ trợ bà con bằng các phần quà, tiền mặt…, Cà Mau hướng đến hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng điều kiện cụ thể của các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ với bà con về cách thức nuôi trồng hiệu quả, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhất là việc làm ngoài nước... từ đó khơi dậy cho bà con ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Là một trong những gia đình làm đơn xin thoát nghèo, bà Đỗ Thị Tú, ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, nói rất biết ơn vì được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Bà Tú chia sẻ, trước đây vì không có vốn nên mẹ con bà chỉ có thể nuôi 3, 4 con lợn thịt. Chi phí chăn nuôi tốn kém cho con giống, thức ăn, nên gia đình bà không thể tích lũy. Sau đó địa phương hỗ trợ bà vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà xây thêm chuồng nuôi lợn. Mỗi năm, gia đình xuất 3 lứa heo con, 2-3 đợt heo thịt. Cứ xoay vòng theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay, mẹ con bà đã có cuộc sống ổn định.
Chị Nguyễn Thị Huệ, ấp 5, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, chia sẻ hộ nghèo ở đây không có tư liệu sản xuất, có nhiều người phụ thuộc, nên những chương trình như đào tạo lao động, dạy nghề là hết sức cần thiết. Đa số lao động diện này không có trình độ chuyên môn qua đào tạo nên khi đi xin việc ở các công ty, doanh nghiệp rất khó khăn.
Trong khi đó, việc chọn họ tham gia các mô hình sản xuất cũng không hiệu quả do không có đất sản xuất, tập huấn xong không thể áp dụng. Do đó, địa phương đã phân nhóm để chọn đối tượng tham gia các chương trình, dự án giảm nghèo phù hợp, qua đó giúp công tác giảm nghèo của địa phương chuyển biến tích cực.
Theo cán bộ tại xã Khánh Lâm và nhiều địa phương ở Cà Mau cho rằng, để giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, các mô hình không chỉ đòi hỏi khi triển khai cần phù hợp với điều kiện địa phương, đối tượng tham gia, mà không thể tràn lan. Đơn cử, người không đất sản xuất lại chọn tham gia mô hình trồng màu, như vậy không chỉ không hiệu quả mà còn làm lãng phí nguồn lực đầu tư.
Ðặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tự thoát nghèo cho người dân rất quan trọng. Người nghèo phải có ý thức tự vươn lên, hạn chế tình trạng sau khi tham gia mô hình sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ phân bón, thức ăn thì triển khai áp dụng. Còn sau khi hết được hỗ trợ thì không tiếp tục phát triển mô hình.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, trong nửa đầu năm 2023, tỉnh có gần 4.400 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vay vốn làm kinh tế; vay giải quyết việc làm 2.790 lượt, cho vay xuất khẩu lao động 27 lượt, với tổng kinh phí là hơn 274 tỷ đồng và nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác.
462 học sinh thuộc hộ gia đình nghèo cũng được miễn học phí; hỗ trợ sữa tươi cho 6.325 học sinh; có 285 hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo, cận nghèo và hộ gia đình có mức sống trung bình được hỗ trợ vay vốn tín dụng.
Cà Mau phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,5%. Tất cả các chính sách của người tham gia bảo hiểm y tế được giải quyết đầy đủ, trong đó người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong khám chữa bệnh được ưu tiên về quyền lợi.
Các cơ sở khám chữa bệnh đều bố trí hỗ trợ nguồn kinh phí chữa trị cho người nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Về tỷ lệ suy dinh dưỡng chung cho trẻ em dưới 5 tuổi tại tỉnh Cà Mau ở thể cân nặng theo tuổi đang duy trì ở mức 10,4%; thể chiều cao theo tuổi đang duy trì ở mức 19,6%.
Để hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, 6 tháng đầu năm nay, hơn 7.400 hộ nghèo tại Cà Mau được hỗ trợ tiền điện hàng tháng. Tỉnh cũng triển khai thực hiện quy trình, thủ tục thực hiện dự án xây dựng 490 căn nhà cho người nghèo.
Minh An