Bước tiến giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Một trong những bước tiến về công bằng xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ Khóa XIII của Đảng là thành tích giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược.
Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa miền ngược và miền xuôi. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 27/11/1989, về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi; Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành Quyết định số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi.
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm... đã giúp cho lĩnh vực kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến tích cực.
Tiếp đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc được triển khai vào thực tế cuộc sống, đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, mặc dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”.
Do đó, Đảng ta chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cho biết năm 2022, ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí hơn 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Kết quả là đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.
Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm ngoái, số hộ nghèo đa chiều trên toàn quốc giảm khoảng 1,5%, số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%.
Đặc biệt, ở nhiều địa phương, đồng bào đã tìm cách chủ động biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng để tạo thêm sinh kế, tìm cách thoát nghèo bền vững. Ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại nhiều địa phương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết…
Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng sẽ sớm đạt mục tiêu, trong giai đoạn 2021 - 2026, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm(3) như Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra.
Hồng Sơn