Yên Bái: Lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo
Nhờ làm tốt công tác huy động các nguồn lực, mức hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà của tỉnh Yên Bái cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi căn nhà.
Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm bền vững. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn dân chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần, còn lại là sự đóng góp từ các nguồn xã hội hóa và gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tự tổ chức làm nhà, địa phương nơi cư trú có trách nhiệm huy động các nguồn lực để tổ chức xây nhà.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2023, tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 1.600 ngôi nhà (làm mới hơn 1.300 nhà, sửa chữa gần 300 nhà) với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh chiếm gần 50% và nguồn huy động hợp pháp khác chiếm trên 50%. Địa phương ưu tiên làm mới gần 730 nhà ở tại 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Ngay từ đầu năm 2023, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tham gia đóng góp, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đã ủng hộ một ngày lương; riêng 3 chi nhánh ngân hàng lớn đứng chân trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 12,5 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt công tác huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, mức hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà của tỉnh cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi căn nhà.
Cụ thể, Yên Bái hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa. Riêng tại 2 huyện đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa.
Do chuẩn bị tốt nguồn kinh phí, đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành trên 90% kế hoạch được giao như: thành phố Yên Bái, các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình...
Tiêu biểu, huyện miền núi Văn Yên đã khởi công được 237/240 nhà, đạt 98,8% kế hoạch năm 2023; trong đó có 108 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 nhà còn lại được khởi công trong tháng 9 và hoàn thành vào tháng 11/2023.
Khi nhận được sự hỗ trợ về nhà ở, hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo đều cam kết phấn đấu sau một thời gian sẽ thoát nghèo; tích cực lao động sản xuất, chủ động học hỏi những mô hình hay, cách làm kinh tế giỏi để tự vươn lên, giảm đáng kể việc trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.
Ông Vũ Lê Thành Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho rằng, với sự đổi mới trong cách tiếp cận về giảm nghèo, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là hoạt động nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay vì người nghèo. Đồng thời, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền. Tăng cường mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại cơ sở, thiết thực xây dựng thành công nông thôn mới.
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác hỗ trợ làm nhà ở đã được tỉnh Yên Bái triển khai bài bản, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, bước đầu đã giải quyết kịp thời khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là hoạt động thiết thực giúp các gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống, an cư lạc nghiệp; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo.