Tiền Giang: Việc huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo tạo được đồng thuận xã hội
Việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận trong XH. Dự kiến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm vượt kế hoạch đề ra.
Trong 10 năm qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 (Nghị quyết 15). Đảng bộ, chính quyền và toàn xã hội đã triển khai các văn bản, thực hiện Nghị quyết 15 trên nhiều lĩnh vực.
Nhằm không ngừng cải thiện cuộc sống Nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, vùng bãi ngang ven biển;
Tăng cường công tác dạy nghề gắn với tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn; thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ Tết, giá điện, khám, chữa bệnh, miễn giảm học phí, nhà ở,... cho hộ nghèo.
Nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực
Trước tiên cần kể đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH). Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng bình quân 4,2%/năm, nếu như năm 2012 mới đạt tỷ lệ 58,8% thì đến tháng 10/2022 đã đạt 96% tham gia BHYT (hơn 1,5 triệu người), tăng 0,6% so với năm 2021; 95,3% người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (gần 193 nghìn người người), tăng 15,7% so với năm 2021.
Về việc làm, trong giai đoạn 2012 - 2020, giải quyết 180.164 lao động, đạt chỉ tiêu kế hoạch. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2020, chỉ tiêu này chỉ đạt 47,3% (giảm 55% so với năm 2019); năm 2021, giải quyết 9.148 lao động (đạt 57,2%); dự kiến trong năm 2022, giải quyết khoảng 12.000 lao động.
Nhờ thực hiện các biện pháp tạo việc làm, tình hình việc làm của người lao động trong tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đã giảm từ 3,05% năm 2012 xuống dưới 3% (giai đoạn 2013 - 2019). Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2020 tăng lên 4,5%; dự kiến, năm 2022 giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 3%.
Việc tập trung các chế độ ưu đãi đối với người có công theo Pháp lệnh được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được đẩy mạnh, trở thành phong trào sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, thu hút nguồn lực trong xã hội tham gia cùng với Nhà nước để chăm sóc người có công.
Kết quả, 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; toàn tỉnh có 5.980 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 184 Mẹ còn sống được nhận phụng dưỡng đến cuối đời; giai đoạn 2012 – 2021 Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vận động được trên 125,4 tỷ đồng, góp phần chăm lo tốt đời sống cho người có công. Năm 2012 - 2021, vận động được 68,5 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở 3.215 căn (xây dựng 1.881 căn, sửa chữa 1.244 căn).

Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Việc huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đã được các ngành, các cấp, các đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Công tác vận động Quỹ "Vì người nghèo", xây dựng Mái ấm Nông dân, nhà Đồng đội, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương...; vận động xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học,... và các nguồn vốn đầu tư giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo.
Cuối năm 2012, toàn tỉnh có 35.658 hộ nghèo (8,03%), 20.716 hộ cận nghèo mức 1 (4,67%) và 7.364 hộ cận nghèo mức 2 (1,66%); trong đó, huyện Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (39,8%).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giảm 19.870 hộ hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 0,63%; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 5,8% đầu năm 2016 xuống 1,87% cuối năm 2020; tổng số hộ nghèo của tỉnh còn 9.429 hộ; riêng huyện Tân Phú Đông giảm từ 42,4% (năm 2016) xuống còn 8,0% (năm 2020).
Đến tháng 11/2022, trên cơ sở báo cáo kết quả sơ bộ của các huyện, thành, thị, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,27%, đạt và vượt kế hoạch đề ra (1,40%).
Nhiều chính sách, đề án liên quan đến trợ giúp xã hội trên các lĩnh vực người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giảm nghèo, trợ giúp xã hội... được ban hành, triển khai đã tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
Các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Công tác cải cách hành chính được triển khai theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; tác phong, thái độ ứng xử đối với doanh nghiệp, người tham gia bảo hiểm được cải thiện...
Để tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới.
Ngọc Lài, Lệ Yên, Ngọc Trang