Thừa Thiên Huế: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, cấp huyện có 02 đơn vị gồm huyện Phong Điền và thành phố Huế hoàn thành hồ sơ trình Trung ương thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Phong Điền) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Huế).
Với cấp xã: Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm ít nhất 06 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 10 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: 06 xã
Đối với các xã còn lại tập trung rà soát đánh giá lại theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí/xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cần ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.
Với cấp thôn, bản: có ít nhất 09 thôn, bản đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 40% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và Hương Trà).
Tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bao gồm: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 98%, khu vực nông thôn: 95%;
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 toàn tỉnh giảm: 1,0-1,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 5% trở lên.
Cùng với đó, triển khai 06 chương trình theo chỉ đạo của Trung ương gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bản vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể. Chẳng hạn:
Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa;
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn;
Phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn,... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững;
Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư;
Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn;
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích huy động nguồn lực tại chỗ, nguồn lực huy động của các tổ chức, doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới;
V.v...
Mạnh Hưng, Bích Thủy, Thành Huế