Tăng giàu thông tin góp phần đẩy lùi hôn nhân cận huyết
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta nói chung. Thời gian qua, sự góp sức của giảm nghèo thông tin đã góp phần đẩy lùi hủ tục này.
Đó là đánh giá được bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Ủy ban Dân tộc chia sẻ với báo Đại đoàn kết.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, bà Bế Hồng Vân cho rằng, với mục tiêu chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.
Tại Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2013 đã thiết kế nội dung Tiểu dự án 2 trong Dự án 9) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Tiểu Dự án đã xác định các đối tượng, thành phần tham gia vào các hoạt động này như: Nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới là người DTTS; các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vùng đồng bào DTTS&MN; người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Điều này khẳng định rõ quan điểm về việc cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn hiện nay.
Do khá đặc thù, của một hủ tục đã ăn sâu bén rễ đời này qua đời khác, nên để làm thay đổi nhận thức của đồng bào, việc ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu phải dựa vào công tác vận động, tuyên truyền "mưa dầm, thấm lâu".
Song qua thực tế triển khai tại nhiều nơi cho thấy, để phương pháp này phát huy hiệu quả, cần phải đa dạng hóa các hoạt động truyền thông (qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng dân tộc; truyền thông trực tiếp bằng ngôn ngữ địa phương; trình bày các tiểu phẩm; tổ chức tập huấn...) có hình thức phù hợp với điều kiện và khả năng của người dân; với đặc điểm văn hóa truyền thống của từng địa phương.
Đặc biệt, cần lưu ý việc xây dựng những thông điệp phù hợp để tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, người có ảnh hưởng tại cộng đồng trong thực hiện xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn ngữ DTTS cũng góp phần làm tăng hiệu quả của truyền thông. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sử dụng tuyên truyền qua các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội sẽ tác động tới nhóm người trẻ.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì và triển khai các mô hình tại xã, huyện, trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Theo bà Bế Hồng Vân, công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng vùng DTTS&MN đến lúc cần phải thay đổi quan điểm người dân là “đối tượng” được hưởng thụ những sản phẩm của các cơ quan truyền thông, mà cần phải để người dân vào vai trò những “chủ thể”, tham gia trực tiếp vào xây các sản phẩm truyền thông trong cộng đồng của họ.
Có như vậy, đồng bào không chỉ thụ động tiếp nhận những thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước mà còn trực tiếp được thực hành qua việc tham gia vào những hoạt động truyền thông (như tham gia đóng kịch, tiểu phẩm,...), từ đó họ sẽ trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực, lan tỏa những thông tin chính thống trong cộng đồng.
Đồng thời qua đó để người dân có thể nói lên tiếng nói của mình, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện vai trò làm chủ của người dân.
Hồng Anh