Sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững ở Trạm Tấu
Với các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) giảm từ 6,5% trở lên.
Vợ chồng chị Mè Thị Nhẫn ở thôn Bản Lừu, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái từng là hộ nghèo. Nhà gần trung tâm huyện nên năm 2022, gia đình chị quyết định vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư kinh doanh homestay. Cùng với đó, chị còn tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm các kỹ năng làm du lịch. Sau gần 2 năm, gia đình chị Nhẫn đã thoát khỏi hộ nghèo.
Ông Lò Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho hay, từ các chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước mà nhiều hộ nghèo trong xã đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, xã có 50 hộ thoát nghèo. Năm 2023, phấn đấu 31 hộ thoát nghèo, tương đương giảm 3,25%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 8,5%. Hát Lừu cũng là địa phương đầu tiên của huyện Trạm Tấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ ở Hát Lừu, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các chính sách của Nhà nước đã được thực hiện tại tất cả các xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu.
Bí thư Huyện uỷ Trạm Tấu - Giàng A Thào cho biết, thời gian qua, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, lao động, việc làm được thực hiện tốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 59%, lao động có văn bằng chứng chỉ trên 29%.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đào tạo cho trên 3.500 lao động; trong đó, trình độ cao đẳng 630 người, trung cấp 415 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 2.474 người; giải quyết việc làm mới cho 2.511 người, đạt 100,4% kế hoạch.
Với các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 6,5% trở lên. Năm 2021 giảm 7,02%; năm 2022 giảm 6,96%, trong đó trên 3% là hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục với trên 100 tỷ đồng; hỗ trợ 1.400 tấn gạo cho trên 30 nghìn lượt học sinh các trường nội trú, bán trú.
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ trên 26.141 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định với tổng kinh phí trên 20,4 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 99%. Trên 7.500 lượt hộ được vay vốn gần 300 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...
Để nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và thực hiện.
Tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương của Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế của huyện, nhất là thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần nhân dân.
Huyện cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân vay vốn phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ giáo dục nhất là các trường nội trú, bán trú; thực hiện tốt Đề án hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2023 - 2025...