Quảng Ninh về đích giảm nghèo bền vững sớm 3 năm
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm.
Thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo vào năm 2022.
Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của các hộ nghèo nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, thị xã Quảng Yên đã chủ động triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo và hỗ trợ các hộ cận nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt, thông tin được thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, thị xã Quảng Yên đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa 36 nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 7,8 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí đối ứng của các hộ gia đình trên 5,7 tỷ đồng, thị xã và các xã, phường huy động xã hội hóa hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. Có 19.437 đối tượng được hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Hỗ trợ trên 117 triệu đồng tiền điện cho các hộ nghèo; tạo điều kiện cho 176 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi số tiền gần 9,7 tỷ đồng...

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, tạo được sự đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo.
Qua đó, nhận thức về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo được nâng lên; nhiều tấm gương quyết tâm vươn lên thoát nghèo xuất hiện ở hầu hết các địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã dành nguồn lực lớn từ ngân sách, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp để hoàn thiện tất các dịch vụ xã hội cơ bản cung cấp tới các hộ nghèo.
Cơ sở hạ tầng được đổi thay hoàn toàn đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể từ tỉnh tới thôn, khe, bản. Các mô hình, các cơ sở sản xuất gắn với giải quyết việc làm được phát triển đồng bộ, rộng khắp, đời sống người nghèo được cải thiện mạnh mẽ.
Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" đã được Quảng Ninh phát động, các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương.
Công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo được quan tâm, tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm…
Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.
Cụ thể, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn huyện nghèo, cận nghèo; toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số dân toàn tỉnh. Trong đó, thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô, huyện Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Với kết quả này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo...
Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong hành trình giảm nghèo, ông Phí Mạnh Thắng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, yếu tố quan trọng để Quảng Ninh cán mốc sớm 3 năm chính là nhờ sự quyết tâm chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, sự đồng thuận, nỗ lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân Quảng Ninh.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã chủ động bố trí nguồn lực thỏa đáng, lồng ghép với chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bảo dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện.