Nỗ lực đưa điện về bản nghèo biên giới huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)
Người dân các bản biên giới của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vô cùng phấn khởi khi điện lưới quốc gia đã kéo đến tận nhà để phục vụ sinh hoạt, góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Trung tâm xã Keng Đu cách thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khoảng 70 km đường đồi núi, qua không biết bao nhiêu con dốc và một “cổng trời” ở Đoọc Mạy với một bên là núi, một bên là vực sâu.
Keng Đu được biết đến là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 80%.
Lâu nay, người dân xã biên giới Keng Đu, nhất là các bản làng nghèo dọc tuyến biên giới vẫn mong đợi dòng điện quốc gia sẽ đến và đem văn minh về cho bản làng…
Ông Moong Phò Lư, bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn bộc bạch, từ ngàn đời nay, ở Keng Đu không có điện lưới quốc gia nên cuộc sống sinh hoạt của người dân trong bản rất thiệt thòi, nhất là trẻ em không có điện sáng học bài. Người dân muốn xem ti vi, tin tức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng khó. Nhiều năm qua, người dân trong bản đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để có điện lưới quốc gia, giúp bà con tiếp cận với văn minh, tiến bộ.
Dù gặp khó khăn về thời tiết và địa hình thi công nhưng mới đây, ngành điện lực Nghệ An đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt hệ thống điện, đưa điện lưới quốc gia vào 12 bản biên giới vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của 2 xã Đoọc Mạy và Keng Đu của huyện Kỳ Sơn.
Đến ngày 26/10/2023, công trình đã hoàn thành, điện được thắp sáng trong niềm vui của cấp ủy, chính quyền và bà con dân bản.
Ông Lương Văn Thong, Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Giờ đây, nhân dân xã Keng Đu rất vui mừng và phấn khởi vì đã được sử dụng điện từ điện lưới quốc gia. Nhờ nguồn điện này, thời gian tới, kinh tế của xã Keng Đu sẽ phát triển, công tác an ninh, quốc phòng sẽ được giữ vững, các em học sinh sẽ được học tập tốt hơn”.
Được biết, một trong những khó khăn nhất của đơn vị thi công và ngành điện để đưa điện lưới đến các bản làng giáp tuyến biên giới là giao thông đi lại phức tạp, địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao, nhiều đèo dốc gây khó khăn trong vận chuyển vật tư và vốn đầu tư xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, đồng bào sống rải rác không tập trung nên phải kéo dài đường dây quá xa dẫn đến quá trình và thời gian thi công gặp muôn vàn khó khăn.
Thế nhưng không ngại khó khăn, các ban ngành liên quan của tỉnh Nghệ An đã nỗ lực hoàn thành việc lắp đặt các hệ thống cột điện đường dây để đến nay đưa điện đến các thôn bản khó khăn.
Thật khó để diễn tả niềm hạnh phúc của những người dân Keng Đu. Từ khi có ánh sáng điện lưới, bản làng đã có nhiều đổi thay, các dịch vụ kinh doanh buôn bán, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân phát triển phong phú hơn.
Điện không chỉ đơn thuần dùng để thắp sáng trong gia đình, phục vụ sinh hoạt, học tập của học sinh mà nhờ có điện, người dân đã có cơ hội mở rộng gia trại chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Anh Moong Văn Phơi, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho hay, lúc chưa có điện, điều kiện sống của bản rất tối tăm. Giờ có điện, cuộc sống của gia đình anh và mọi người dân trong bản sẽ thay đổi. Gia đình anh đã mua nhiều thiết bị phục vụ sinh hoạt như tivi, nồi cơm, bếp điện, quạt điện. Vui nhất là xem tivi theo dõi nhiều chương trình truyền hình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi có thể học và vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình, từ đó đời sống đã khấm khá hơn trước.
Anh Thào Văn Cận, một người dân khác cũng chia sẻ, “Có điện về, bà con rất cảm ơn các anh thợ điện rất vất vả để đưa điện về bản. Mặc dù điều kiện kinh tế chưa phải dư dả, anh đã dự định sẽ mua tivi để có điều kiện tiếp thu nhiều thông tin hơn. Con cháu cũng được xem để học hỏi, sau này hiểu biết nhiều hơn ông bà, cha mẹ”.
Được kéo điện lưới, mỗi gia đình ở xã Keng Đu sẽ được trang bị đầy đủ công tơ, dây điện, một bảng điện, một bóng đèn thắp sáng. Đảm bảo khi đóng điện lưới, các hộ dân sẽ được dùng điện ngay.
Có thể nói, điện sáng đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân. Đồng thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn và an sinh xã hội tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn của tỉnh Nghệ An.