Người dân Tênh Phông thoát nghèo nhờ cây thảo quả

Thảo quả thực sự đã giúp các hộ dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên vươn lên có cuộc sống đủ đầy, có điều kiện cho con ăn học và mua sắm thêm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt.

Với hầu hết hộ dân của các bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự của xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thì cây thảo quả là tài sản lớn, mang lại thu nhập chính cho gia đình họ trong suốt thời gian qua.

Đến nay, toàn xã Tênh Phông có trên 83ha trồng cây thảo quả. Cây tập trung dưới tán rừng 3 bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Trong đó, Ten Hon là bản đầu tiên của xã thử nghiệm cây thảo quả, 125/128 hộ trồng thảo quả với diện tích hơn 30ha. 

Ông Mùa Chứ Dày, một người dân bản Ten Hon kể, ngày trước gia đình đông con, 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào diện tích ít ỏi trồng ngô, trồng sắn nên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ăn. Từ năm 2010, khi thấy một số hộ dân đưa cây thảo quả về trồng, dù chỉ nghe nói là có hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, cây sắn nhưng ông vẫn đánh liều trồng thử, không ngờ "hợp duyên" với giống cây mới này. Nhận thấy hiệu quả bước đầu tích cực, ông mở rộng thêm diện tích trồng lên 3ha. 

Đến nay, gia đình ông Dày không còn cảnh chạy ăn từng bữa. Số tiền thu được từ bán thảo quả ông mua thêm 3 con trâu, 3 con bò và đầu tư 50 thùng ong nuôi lấy mật. Từ đó, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định từ 80 - 100 triệu/năm.

Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon cũng chia sẻ, năm ngoái, gia đình ông thu được hơn 1 tấn thảo quả khô. Hiện ông vẫn đang chờ giá thảo quả lên mới bán. Nhà ông từ xe máy, máy xát, máy xay, nồi cơm điện… đều từ thảo quả mà ra.

Cây thảo quả giúp bà con bản Ten Hon có thu nhập ổn định.

Được biết, trước đây, người dân bản Ten Hon rất vất vả. Họ sống xa trung tâm, đất đai không nhiều. Hộ nào cũng đói ăn, phải ăn độn củ nâu và ngô thường xuyên. Mấy năm nay, nhờ trồng cây thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để, đỡ vất vả, nghèo khó. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp bà con có cái Tết ấm no, nhiều gia đình sửa được nhà ở kiên cố, vững chãi và mua sắm được đồ dùng gia đình. 

Thảo quả trồng không tốn công sức và phân bón chăm sóc, không phải trồng lại, trồng mới hàng năm, lại thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. 1ha thảo quả thu được khoảng 2 tấn quả tươi, 10kg quả tươi được 2 - 2,5kg khô. Những năm trước, thảo quả khô được giá 100.000 đồng/kg, có năm lên đến 115.000 đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Tại bản Há Dùa cũng tương tự, 22ha thảo quả là nguồn thu chính của người dân bản vùng cao này. Từ những năm trước, việc phát triển thảo quả đã giúp 47 hộ dân của bản (47/49 hộ tham gia trồng thảo quả) có cuộc sống ngày càng no đủ. Cả bản chỉ còn 7 hộ mới tách là ở nhà tạm, các gia đình khác đều đã dựng nhà kiên cố, khang trang. Có tiền bán thảo quả, nhiều hộ đã mạnh dạn tự đầu tư trồng thử nghiệm các cây dược liệu có giá trị khác .

Ông Lầu Vàng Páo, người dân tại bản Há Dùa cho hay, gia đình có gần 3ha thảo quả dưới tán rừng, phát triển từ năm 2003, thu khoảng 1 tấn quả khô mỗi năm. Từ nguồn thu 100 triệu đồng/năm, gia đình ông bắt tay vào phát triển thêm những cây dược liệu khác. 

Ông cho hay, đợt vừa rồi, ông mới đầu tư 2.000 cây hồi về trồng xen dưới tán rừng trong khu vực rừng của bản quản lý, bảo vệ. Nếu cây cho thu nhập ổn định, ông Páo sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm thêm các loại cây khác.

Những năm gần đây, nhiều mô hình sinh kế gắn với rừng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ một xã nghèo, hiện nay xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã cải thiện đời sống kinh tế đáng kể. 

Ông Mùa A Dụa, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho hay, Tênh Phông là xã có diện tích đất rừng khá lớn, nhiều khe suối, thích hợp cho cây thảo quả sinh trưởng và phát triển. Nhờ ưu thế đó nên cây thảo quả ở Tênh Phông cũng dễ bén rễ hơn, bà con chú tâm trồng, chăm sóc hơn. 

Xác định chủ trương trồng cây thảo quả dưới tán rừng già gắn với trồng, bảo vệ và phát triển rừng, Đảng bộ xã Tênh Phông đã tập trung chỉ đạo bà con phát huy thế mạnh đưa thảo quả thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, từ những cây thảo quả được người dân đem từ đất Dào San, Phong Thổ, Lai Châu về trồng thử nghiệm trên đất Tênh Phông, đến nay phong trào trồng thảo quả đã phát triển mạnh ở xã. 

Thảo quả thực sự đã giúp các hộ dân trên địa bàn xã vươn lên có cuộc sống đủ đầy, có điều kiện cho con ăn học, mua được xe máy và sắm thêm nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt. Bao nhiêu năm qua, loại cây này vẫn khẳng định được giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ. Vì vậy xã tiếp tục vận động người dân chăm sóc, bảo vệ tốt. Cùng với đó, phát triển thêm một số loại cây dược liệu khác dưới tán rừng như sâm, tam thất, hồi, sa nhân... hướng đến phát triển kinh tế gắn với rừng một cách hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hả Vân

Lùng Thàng: Thu nhập của nông dân tăng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp, Lùng Thàng từ một xã đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực.

Quang Bình: Đổi đời nhờ biết tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện

Khai thác lợi thế từ hồ Thủy điện sông Chừng (Quang Bình, Hà Giang), mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ từng bước cho hiệu quả kinh tế và tạo thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Người Bí thư tiên phong mở lối thoát nghèo cho dân Phiêng Dượng

Ông Bàn Cao Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Dượng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã “thổi luồng gió mới" giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phú Thọ: Những “bóng hồng” trên mặt trận kinh tế, giảm nghèo bền vững

Những người phụ nữ với ý chí vươn lên đã phát triển kinh tế thành công, đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Phú Thọ.

Lão nông ở Phú Thọ biến đất cằn thành ‘mỏ vàng’ trên những quả đồi xanh

Những ngọn đồi ở làng Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) được phủ một màu xanh tươi rói của cây chè – loại cây đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của vùng trung du một thời nghèo khó.

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, thoát nghèo ở Yên Lập (Phú Thọ)

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, việc triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Yên Lập (Phú Thọ) sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng.

Phú Thọ: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc

Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa phát triển tại Xuân Sơn đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Đồng bào Mường ở Phú Thọ thoát nghèo nhờ trồng chè sạch

Nhờ ứng dụng công nghệ trồng chè sạch, nhiều hộ gia đình người dân tộc Mường ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã thoát nghèo.

Bắc Kạn: Mô hình du lịch nhà vườn ứng dụng công nghệ số để thoát nghèo của vợ chồng 9x

Bỏ phố về núi, cặp vợ chồng trẻ ở Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với mong muốn giúp bà con thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Người phụ nữ Dao tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Quyết tâm khởi nghiệp với nghề may trang phục dân tộc, chị Lò Lở Mẩy, người dân tộc Dao ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã giúp bản thân và nhiều phụ nữ khác có thu nhập ổn định.