Vượt khó, thoát nghèo nhờ mô hình trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi

Năm 2022, gia đình ông Nguyễn Văn Duy chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương nhờ vào mô hình trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Duy, thôn Nà Sang, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn từng là một hộ nghèo ở địa phương. Với sự đồng hành, tuyên truyền của các cấp, các ngành, khuyến khích người dân có khát vọng thoát nghèo, không còn tư tưởng ỷ lại nhà nước, những năm qua ông nỗ lực tìm hướng đi cho gia đình mình vươn lên trong cuộc sống. 

Năm 2022, gia đình ông chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương nhờ vào mô hình trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi. 

Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng thôn Nà Sang là người năng nổ trong công tác giảm nghèo của địa phương. 

Ông Duy xuất thân là bộ đội phục viên về quê đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước. Ông lập gia đình, sinh được 2 người con. Ban đầu gia đình ông ở trong một túp lều xiêu vẹo nhờ trên đất bố mẹ đẻ.

Đất đai ruộng vườn không có, hai vợ chồng trầy trật đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, con gửi cho bố mẹ già chăm giúp. Đồng lương bấp bênh, bán sức lao động, làm công việc nặng nhọc nhưng thu nhập ít ỏi. 

Mặc dù đã bươn chải đủ nghề nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Ngày ấy, nhìn hai đứa con thơ dại nước mắt ngấn lệ chào từ biệt mỗi chuyến đi xa, lòng ông lại quặn thắt. Nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ, ông bàn với vợ từ bỏ việc rong ruổi khắp nơi, trở về đoàn tụ cùng các con. 

Hai vợ chồng vay mượn, tích cóp được một khoản nhỏ mua đất, dựng ngôi nhà đủ che mưa che nắng cho gia đình 4 người. Thời gian trôi đi, với sự chắt chiu của bố mẹ, hai con ông dần lớn khôn, trưởng thành. Số tiền vay mượn dựng nhà khi xưa cũng trả hết. Tuy nhiên, cái đói nghèo vẫn đeo bám.

Bước ngoặt đến với gia đình khi ông thường xuyên chở vợ xuống chợ lấy rau về bán. Ông nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trồng rau, cải thiện kinh tế. Nhiều người bảo ông khùng, trồng rau biết bao giờ mới giàu được. 

Trước những khuyên can của mọi người, ông vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng. Đầu tiên ông đi khảo sát quanh vùng thấy rau muống và bắp cải ít người trồng nhưng nhu cầu lớn. Phần lớn các tiểu thương ở chợ phải nhập ở địa phương khác về.

Ông hạch toán: 1m2 đất trồng được 9 cây bắp cải, người ta bán 8 – 9 nghìn/kg. Ông không bán theo kg mà bán 1 nghìn/cây. Chín cây bắp cải ông được 9 nghìn. Ba tháng thu hoạch 1 vụ, 1 năm 4 vụ. Nếu trồng lúa thì 1 năm 2 vụ, tính ra kinh tế không bằng trồng rau. Ngoài ra, ông cũng lặn lội tìm đến các mô hình trang trại vườn ao chuồng học hỏi công nghệ, kinh nghiệm để rút ra bài học cho mình, rồi về bắt tay vào triển khai.

Năm đầu tiên ông thắng lợi, lấy đà trồng năm tiếp theo. Sau ông còn bán cho cả một số người chăn nuôi lợn, những loại rau xấu đồng giá 2 nghìn/kg, chặt cả lá già, có cây bắp cải nặng, cân được 4 kg, lợi nhuận cứ thế tăng dần.

Phương pháp trồng rau của ông theo hướng hữu cơ, tưới bằng phân chuồng, việc nhổ cỏ, nhặt sâu… tất cả ông tự làm nên không mất tiền đầu tư, thuê nhân công. 

Ông Duy bên vườn rau muống sắp thu hoạch. 

Tiếp đến, ông xoay ra dựng chuồng nuôi lợn ngắn ngày. Ông mua vài con lợn nhỡ, lấy lá rau, cơm thừa, canh cặn cho chúng ăn, không dùng cám tăng trọng nhưng đàn lợn phát triển tốt. Một con nuôi khoảng 4- 5 tháng được hơn 1 tạ là xuất chuồng. 

Người ta nuôi lợn nhỏ, tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, thời gian nuôi lâu. Ông nuôi loại nhỡ sức đề kháng tốt hơn, lợn ít ốm vặt, thời gian nuôi ngắn mà lợi nhuận cao. 

Sau thành công của mô hình trồng rau, nuôi lợn sạch, hiện tại vợ chồng ông có 1.000m2 đất trồng rau muống, bắp cải, mồng tơi. Ước tính, 1 năm ông thu nhập khoảng 80 triệu từ vườn rau và chăn nuôi lợn. 

Cách đây 3 năm ông còn rất nghèo, trong nhà trống trơn, điều kiện sinh hoạt tối thiểu không có nhưng giờ đây ông mua được chiếc xe máy, tivi xem tin tức thời sự và một số vật dụng hiện đại, tiện nghi như nồi cơm điện, tủ lạnh, bếp ga. 

Năm ngoái ông còn được địa phương hỗ trợ cho vay 12 triệu vốn để lắp đặt hệ thống nước sạch về nhà. Đầu năm nay, khi thu hoạch rau và xuất chuồng lứa lợn, ông đã trả xong số tiền này dù chưa đến hạn.

“Tôi đúc kết ra rằng, không đâu bằng quê mình, sinh kế tại nơi mình sinh ra vừa ổn định, lại giúp được nhiều người cùng thoát nghèo. Thời gian tới, tôi muốn đầu tư thêm chuồng trại nuôi lợn rộng hơn nhưng cần phải cân nhắc, tính toán kỹ càng. Vì tôi nghèo lâu năm rồi, mới thoát nghèo, không thể để mình tái nghèo nữa”, ông chia sẻ. 

Trước đây, dù còn nghèo nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ, nhiệt tình và năng nổ, ông tham gia công tác địa phương với vai trò trưởng thôn. Ông Duy đã vận động các hộ nghèo của thôn đăng ký thoát nghèo, tham gia thực hiện các dự án, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình; chuyển đổi và tăng thời vụ một số diện tích trồng lúa sang rau màu; vận động nhân dân có con em trong độ tuổi lao động tham gia dự các lớp tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, tham gia đi làm việc ở các công ty, doanh nghiệp... 

 Ông Duy trình bày tham luận về “Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.

Kết quả năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt của thôn Nà Sang đạt 309,8 tấn, tăng 5,6 tấn so với năm 2021. Vận động ủng hộ các khoản quỹ thu đạt 100%. Thôn có 85/95 hộ đạt Gia đình văn hoá, bằng 89,5%. Trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, trong năm không có trẻ em suy dinh dưỡng, thôn có 82/95 hộ được công nhận Gia đình sức khỏe.

Thôn Nà Sang có 97 hộ, 376 nhân khẩu. Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, số hộ nghèo của thôn giảm còn 11 hộ nghèo, 07 hộ cận nghèo.

“Theo tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước, tôi luôn động viên, tuyên truyền bà con nêu cao tinh thần thoát nghèo. Muốn nói hay, nói tốt, bản thân mình phải làm được, vì vậy những năm qua tôi phải nỗ lực vươn lên để làm minh chứng cho họ.

Ngoài ra, các kênh như loa truyền thanh, internet cũng giúp nhận thức của tôi và người dân thay đổi ngày một tích cực hơn, nắm bắt được nhiều chính sách hỗ trợ, thông tin của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số", ông tâm sự. 

Quỳnh Nga

Lan toả những lá đơn xin thoát nghèo của người Mã Liềng

Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng với ý thức còn sức lao động vẫn đủ khả năng vươn lên, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã viết đơn xin thoát nghèo, dành sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Nông dân Quảng Trị đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phát động phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút đông đảo các hội viên tham gia.

Chính quyền xã Cu Suê rút ngắn khoảng cách với người dân nhờ công nghệ

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, kết nỗi giữa chính quyền - người dân không chỉ rút ngắn được thời gian, không gian mà còn giảm bớt công sức, nhất là nhận thức, suy nghĩ của người dân cũng có nhiều thay đổi do được tiếp cận các thông tin, kiến thức.

Xã Đắk Tăng phủ sóng viễn thông đến 100% các hộ gia đình

Tại xã Đắk Tăng (huyện Kon Plông), chính quyền xã đã khảo sát, lắp đặt hạ tầng viễn thông, mạng wifi cho các thôn, làng trên địa bàn. Đến nay, các hộ gia đình đều có điện thoại thông minh kết nối 4G.

Lạc Dương đẩy mạnh hỗ trợ Smartphone cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bên cạnh việc hướng dẫn người dân sử dụng internet, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) còn dành nguồn ngân sách lớn để hỗ trợ hàng trăm điện thoại thông minh, sim 4G cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

"Kéo" sóng viễn thông về nơi tận cùng khó khăn

Năm 2023, Xã Ea Yiêng đã hoàn thiện lắp đặt toàn bộ các trụ điện, đường dây điện đến các thôn, làng. Người dân đã có thể sử dụng các thiết bị điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và xem tin tức, thời sự từ tivi.

Chị Lý Ân - Điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Chị Lý Ân là người dân tộc Dao tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, tìm tòi áp dụng công nghệ, trang trại của gia đình chị Lý Ân đã tràn ngập hoa trái, từ cà phê, sầu riêng, mãng cầu, cacao.

Kon Tum: Những già làng “giữ lửa” đại đoàn kết dân tộc

Tại tỉnh KonTum, già làng, trưởng bản được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Huyện Đắk Hà bảo tồn văn hoá phi vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Với nét đặc thù riêng của một làng người dân tộc thiểu số Bahnar cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống còn được bảo tồn, Kon Trang Long Loi, huyện Đắk Hà đang là điểm đến du lịch nổi bật của địa phương.

Thường Xuân chú trọng giải quyết việc làm cho người nghèo

Vấn đề giải quyết việc làm trở thành nhiệm vụ trọng tâm của huyện Thường Xuân (Thanh Hoá). Trong đó có việc định hướng phát triển nhân lực được đào tạo, có thể làm việc cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.