Hộ nghèo, cận nghèo kịp thời nắm bắt thông tin trên nền tảng số
Sử dụng công nghệ số, kỹ năng số giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo kịp thời nắm bắt thông tin trên nền tảng số.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội phát triển và hội nhập nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế, thách thức. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số cho người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo là một trong những nhiệm vụ cần thiết và xuyên xuốt.
Chị Nguyễn Thị Liên ở Nghệ An cho hay, trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của huyện, của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, gia đình chị cố gắng có ít nhất một người am hiểu công nghệ thông tin để chỉ dẫn cho những người còn lại trong gia đình. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng được hướng dẫn để không bị dính bẫy các đối tượng lừa đảo, gữ an toàn trên không gian mạng.
Được biết, việc cầm tay chỉ dẫn công nghệ là cách làm của các cán bộ Hội Phụ nữ giúp hội viên, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn không còn lóng ngóng khi sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận với công nghệ thông tin. Bằng cách làm cầm tay chỉ việc, các hội viên, phụ nữ ở nông thôn đã tiếp cận các thông tin một cách hiệu quả.
Ngoài tỉnh Nghệ An, Bắc Giang là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước hoàn thành mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng ở tất cả 209 xã, phường, thị trấn nhằm lan tỏa công nghệ đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Để triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư ứng dụng công nghệ, từ tháng 4/2022, Bắc Giang triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã được thành lập giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.
Chị Đặng Thị Cúc, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tuy không nắm bắt nhanh thiết bị, công nghệ hiện đại như giới trẻ nhưng được tổ công nghệ số cộng đồng của thôn hướng dẫn tận tình giúp chị có thể sử dụng các dịch vụ, ứng dụng tải về điện thoại thông minh.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy sử dụng công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Các tổ công nghệ số cộng đồng chính là cầu nối để giúp người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, kịp thời nắm bắt được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật trên nền tảng số.
Tổ chức và duy trì hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, từ người dân có điều kiện đến hộ nghèo, cận nghèo…. hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số.
Đình Bổng, Hữu Duyên, Anh Dũng