Thành quả từ nỗ lực giảm nghèo bền vững và đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Huyện tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, trong đó quan tâm các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở…
Nhờ tập trung thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn đã giảm qua các năm. Năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là 20,58%, đến năm 2021 tỷ lệ nghèo theo chuẩn cũ là 13,84%, và theo chuẩn mới là 18,37%; tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2016 là 11,02% đến năm 2021 là 8,75%.
Truyền thông để người nghèo biết chủ động vươn lên, tự lực sản xuất
UBND huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và nguồn vốn được phân bổ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện;
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, có định hướng sản xuất theo kế hoạch gắn với Chương trình OCOP; bám sát nhu cầu, phù hợp với địa phương, giúp hộ nghèo tham gia dự án nâng cao thu nhập; tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, trong đó quan tâm các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở…
Tổ chức hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo trung thực, khách quan, xác định chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo đúng quy định.
Đối với các các hộ nghèo trong kế hoạch dự kiến thoát nghèo, các xã, thị trấn, các thôn, tổ thường xuyên nắm chắc nguyên nhân nghèo, phân công rõ trách nhiệm thành viên hỗ trợ, có giải pháp hỗ trợ cụ thể sát với nguyên nhân nghèo; định hướng, giúp đỡ bằng các việc làm cụ thể.
Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về công tác giảm nghèo. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp để nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, hướng đến mục đích thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà thay vào đó biết chủ động vươn lên, tự lực sản xuất để phát triển kinh tế.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Chợ Đồn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2 - 2,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8-10% vào năm 2025. Huyện dự kiến hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 05 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.
Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
V.v...
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2022/11/24/xoa-doi-giam-ngheo-b11-1937.jpg?width=0&s=eu3hTzIT30IzM9a4EigKQQ)
Quan tâm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Góp phần trong thành quả của công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện Chợ Đồn không thể không kể đến vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, công tác này luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm với nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả.
Là một huyện đông dân cư, nguồn nhân lực dồi dào, nhưng đại bộ phận người dân của huyện sống ở vùng nông thôn bằng nghề nông nghiệp, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề.
Do đó, huyện đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề. Ưu tiên những đối tượng lao động là con em gia đình chính sách; người có công với cách mạng; người DTTS được tham gia học nghề và giới thiệu việc làm, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Để công tác này đạt kết quả cao, Trung tâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, nhằm bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo theo nhu cầu của người lao động.
Trong đó, tập trung nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình.
Chẳng hạn, với lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp để có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đối với lao động có điều kiện sản xuất thì hướng nghiệp cho họ bằng cách học nghề phục vụ cho SXNN tại chỗ như các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động.
Bình quân mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX huyện đào tạo cho trên 450 lao động nông thôn trên địa bàn. Hiệu quả rõ nét nhất của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Chợ Đồn là người dân đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Báo cáo về kết quả đào đạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của huyện giai đoạn 2010 – 2015 cho thấy, toàn huyện đã có 2.859 lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 142,99%. Trong đó số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp là gần 1.900, đào tạo nghề phi nông nghiệp được 977 người. Tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90,3%.
Giai đoạn 2016 – 2020 đã có trên 2.200 lao động được đào tạo nghề, trong đó nhu cầu chủ yếu của học viên là các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 1.400 lao động tham gia học, có trên 800 lao động tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp.
Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài. Nhiều nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: Sửa chữa xe máy; xây dựng dân dụng, cơ khí…
Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi từ đó tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Công Sáng, Minh Hưng, Thu Huyền