Cách làm hay của huyện biên giới, giúp cải thiện điều kiện sống cho hộ nghèo
Huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cải thiện điều kiện sống cho hộ nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Tây Ninh là tỉnh biên giới có gần 240km đường biên giáp Campuchia, địa giới hành chính khá rộng, dân số đông, đa tôn giáo, dân tộc.
Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Tây Ninh năm 2022 đứng thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định.
Tân Châu là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm TP.Tây Ninh khoảng 36km. Huyện có 38.878 hộ/137.001 người với 15 dân tộc. Cuối năm 2022, huyện Tân Châu có 105 hộ nghèo, chiếm 0,28% và 346 hộ cận nghèo, chiếm 0,91%. So năm 2021 giảm 210 hộ nghèo và hộ cận nghèo (giảm 93 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo).
Hằng năm, huyện kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo trên địa bàn. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên như hỗ trợ tiền điện, tiền học phí, bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh BHYT, xây tặng nhà đại đoàn kết... góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản.
Các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hoá góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Huyện đã phối hợp xây tặng 102 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, với tổng số tiền huy động 7,2 tỷ đồng. Sau nhiều nỗ lực giảm nghèo đa chiều, từ năm 2021-2023, huyện đã giảm được 0,55% hộ nghèo, cận nghèo.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Châu Võ Hồng Sang, huyện đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cải thiện điều kiện sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách, xoá nhà tạm, nhà dột nát, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Nổi bật có mô hình “Tham mưu cấp uỷ phân công đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2022-2025. Để thực hiện, huyện yêu cầu các địa phương, tuỳ tình hình trong ấp, có thể phân công từ 2 đến 5 đảng viên giúp đỡ 1 hộ; đồng thời phân công các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ hộ gia đình nghèo là đoàn viên, hội viên của tổ chức, phối hợp với đảng viên được phân công; đối với hộ gia đình không thuộc tổ chức, đoàn thể thì Mặt trận Tổ Quốc có trách nhiệm phối hợp với đảng viên giúp đỡ.
Theo đó, các tổ chức thành viên phối hợp với chi bộ, đảng bộ và đảng viên thống nhất giải pháp, tập trung mọi nguồn lực giúp đỡ các đối tượng thoát nghèo. Với mô hình này, đã có 527 trường hợp được hỗ trợ đào tạo dạy nghề, có việc làm ổn định; 299 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, phương tiện, công cụ sản xuất, hỗ trợ cây, con, giống chăn nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao công nghệ và trợ vốn không tính lãi.
Song song đó, huyện còn triển khai các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại địa phương như: Mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng); nuôi dế thương phẩm (xã Suối Dây); nuôi dê (xã Tân Phú); nuôi ba ba (xã Tân Hoà)...
Trong đó, mô hình sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Minh Trung được chính quyền huyện Tân Châu đánh giá là mô hình giảm nghèo hiệu quả cho bà con địa phương. Ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX này, cho biết HTX hiện có 100ha trồng giống mãng cầu truyền thống theo tiêu chuẩn VietGAP và 500ha liên kết đảm bảo tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Bình quân mỗi ngày HTX bán ra thị trường 10 tấn quả mãng cầu.
Được biết, Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh đã có định hướng lựa chọn HTX này tham gia mô hình điểm HTX kiểu mới trong thời gian tới do đánh giá cao sản phẩm mãng cầu sạch của HTX và khả năng tham gia chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, thu nhập bình quân của xã Tân Hưng đạt trên 77 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,29%. Đây là xã thứ hai của huyện Tân Châu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tiếp tục nỗ lực duy trì, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Ngoài ra, Tân Châu còn có mô hình chăn nuôi dê sinh sản và bò vỗ béo theo quy mô trang trại khép kín của HTX Chăn nuôi và Thương mại dịch vụ Thiên Phú ở xã biên giới Tân Đông. Thay vì "mạnh ai nhà ấy làm" như trước đây, sau khi tham gia vào HTX chăn nuôi dê, các thành viên đã cùng hợp tác để tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đồng thời, các thành viên còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn dê sinh sản và bò vỗ béo.
Nhờ mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn như vậy đã giúp nhiều người dân ở xã Tân Đông thoát nghèo. Với hiệu quả kinh tế mang lại cao, đây được kỳ vọng mở ra hướng đi mới theo hướng bền vững, thiết thực góp phần giảm nghèo ở xã biên giới.
Minh An