Phú Thọ: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc dân tộc

Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa phát triển tại Xuân Sơn đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có diện tích rộng hơn 15.000 ha được ví là “lá phổi xanh” với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. 

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng nơi đây hệ thống hang động với thạch nhũ buông rủ, muôn hình vạn trạng nhờ quá trình phong hóa, thủy hóa kì diệu của tự nhiên từ hàng triệu năm trước. 

Một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa. Nép dưới tán cây rừng nguyên sơ là những nếp nhà nhỏ của bản làng đồng bào dân tộc Dao, Mường.

Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa phát triển tại Xuân Sơn đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình kinh tế này cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân ở đây cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. 

Du lịch cộng đồng trong lõi rừng

Đoàn chúng tôi đến Xuân Sơn vào ngày khá nóng nực. Cái nắng đầu hè oi ả, cảm giác cháy rát cả mặt đường nhưng càng vào sâu bên trong khu vực rừng, không khí càng đổi khác, mát mẻ và dễ chịu hơn.

Con đường bê tông chạy thẳng vào các bản. Tiếng chim hót ríu rít, vang dội cả một góc núi rừng hòa lẫn với nhịp sống êm đềm của đồng bào dân tộc thiểu số. Rời xa sự xô bồ, ồn ào của phố thị, bất cứ ai đến đây cũng đều cảm nhận được sự “chữa lành” trong tâm hồn, để đón nhận những điều tích cực hơn.

Chị Hoàng Thị Thảo (Thanh Hóa) chia sẻ: “Đến với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, gia đình tôi được đi thăm cọn nước, đường hoa du lịch và ra bãi tắm trong veo ở cuối bản Cỏi. Ngoài ra, tôi còn tham gia các hoạt động sản xuất của người dân địa phương; tham gia các hoạt động giải trí, sinh hoạt văn hóa như tản bộ trong rừng, khám phá hang động cắm trại, múa xòe, nhảy sạp, đốt lửa trại; thưởng thức các món ăn đặc sản như gà nhiều cựa, xôi ngũ sắc, cơm lam… Những trải nghiệm này rất thú vị, giúp các con tôi có thêm vốn sống, học thêm được nhiều điều về văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam”.

Để phục vụ nhu cầu của du khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống núi rừng, các homestay của người dân xã Xuân Sơn được hình thành và nhân rộng ở các thôn, bản. 

Một buổi chia sẻ, hướng dẫn thế hệ trẻ các điệu múa truyền thống của già làng người Dao Tiền bản Cỏi.

Trung tâm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cùng các cấp chính quyền xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn thường xuyên quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng cho bà con. Qua đó, nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, chuyên nghiệp cho ngành du lịch tỉnh.

Theo thống kê của địa phương, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Xuân Sơn tăng qua từng năm. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 10 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay. Trung bình mỗi tháng, một hộ làm dịch vụ này có thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng, vào mùa cao điểm du lịch có thể thu nhập từ 20 đến 30 triệu mỗi tháng. 

Chị Quỳnh Nga, người tiên phong trong xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng của bản Dù, xã Xuân Sơn cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu làm chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi cá, trồng cây, thu nhập không cao. Đời sống khó khăn, thiếu thốn.

Khi được tham dự các lớp tập huấn về du lịch của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cùng sự khuyến khích của các cấp, các ngành, chị cùng chồng mạnh dạn vay vốn, đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng.

Từ khi tham gia mô hình này, thu nhập của gia đình chị tăng lên đáng kể. Hiện tại, homestay của chị có 5 phòng khép kín và 2 phòng cộng đồng. Giá phòng dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/phòng đối với phòng khép kín, 50.000 - 150.000 đồng/người đối với phòng cộng đồng.

Ngoài dịch vụ lưu trú, homestay của chị cũng phục vụ du khách dịch vụ ăn uống ngoài trời, đốt lửa trại và mời bà con đến biểu diễn nghệ thuật bản địa. 

Sau khi thu được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho gia đình nhờ mô hình du lịch cộng đồng, chị Nga tích cực chia sẻ cách làm, kinh nghiệm của bản thân mình đến các hộ dân trong bản Dù. 

Có thể thấy, dịch vụ kinh doanh lưu trú homestay đang được đánh giá như là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương, bởi đây là hình thức kinh doanh không tốn nhiều kinh phí đầu tư, nhân công phục vụ lại cho thu nhập cao.

Rời bản Dù, chúng tôi đến bản Cỏi. Đây là ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền với loài gà chín cựa - một sản vật được nhắc đến trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Từ một khu dân cư heo hút nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nay bản Cỏi biến thành địa điểm thu hút được nhiều khách du lịch nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Đến với bản Cỏi, du khách được khám phá cảnh quan thiên nhiên trong rừng, tận mắt thấy những cây chò chỉ cao bằng toà nhà hay cây nghiến cổ thụ gốc to 3 người ôm không xuể. 

Anh Đặng Văn Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Sơn thông tin, người dân bản Cỏi 100% là đồng bào dân tộc Dao. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như địa phương, thời gian qua cơ sở hạ tầng trong bản được nâng cấp hiện đại, khang trang hơn, nhờ đó việc phát triển du lịch cộng đồng cũng thuận lợi hơn.

Do điều kiện thổ nhưỡng khó phát triển về nông nghiệp nên du lịch cộng đồng là mô hình sinh kế giúp bà con đảm bảo cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Đặc biệt, nhờ công tác thông tin, tuyên truyền tích cực của địa phương, bà con được nâng cao dân trí, học hỏi được các mô hình hay, hướng phát triển kinh tế nhờ du lịch…

Bảo tồn di sản văn hóa gắn với du lịch

Địa bàn xã Xuân Sơn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường và dân tộc Dao. Mỗi dân tộc trên địa bàn xã đều có những bản sắc riêng biệt.

Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Trong đời sống văn hóa, đồng bào vẫn gìn giữ những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình cùng với bảo tồn và lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... 

Bãi tắm nước chảy trong veo từ nguồn ở bản Cỏi. 

Bên cạnh phát triển kinh tế, người dân nơi đây rất ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình thông qua các bữa ăn, các chương trình văn nghệ giới thiệu lễ cấp sắc, các làn điệu cầu mùa, trang phục…

Phần lớn, các cơ sở lưu trú đều là nhà sàn, nhà gỗ hoặc nhà đất mang đậm nét truyền thống của người Mường, người Dao. Khi đến đây, du khách sẽ ở tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người bản địa, hòa mình cùng phong cảnh nên thơ của những thửa ruộng bậc thang, tận hưởng khí hậu mát mẻ, hệ động thực vật phong phú của hàng nghìn ha rừng nguyên sinh.

Tiêu biểu trong các bản cộng đồng ở Xuân Sơn là bản Cỏi. Hiện người dân địa phương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao như các nghi thức, nghi lễ (nghi thức mặc trang phục dân tộc trong các lễ hội, lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc…); các điệu múa (múa chiêng, múa Lập tĩnh)…; các nghề thủ công nấu rượu, nhuộm vải…

Du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng ở bản Cỏi sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương như: Canh măng rêu đá, cá suối chiên giòn, canh rau sắng.

Xã Xuân Sơn đang đặt mục tiêu xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, Mường góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội làm giàu cho đồng bào dân tộc.

Quỳnh Nga

Đời sống người nghèo ở Bắc Kạn cải thiện đáng kể nhờ vốn vay ưu đãi

Nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác đã tạo tiền đề giúp các hộ vay ở các huyện vùng núi Bắc Kạn có điều kiện phát triển kinh tế góp phần quan trọng cho mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Xuân Phổ: Giàu thông tin nhờ truyền thanh thông minh

Ngay sau khi đón nhận xã nông thôn mới nâng cao, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp với đích đến là NTM kiểu mẫu. Khu dân cư thông minh trong đó bao gồm truyền thanh thông minh là một trong những tiêu chí cần có.

Nuôi gà lai chọi thả vườn thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Là một trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, anh Nguyễn Hữu Quý (Bắc Giang) mạnh dạn ứng dụng khoa học, kĩ thuật vào chăn nuôi đã thành công với mô hình Chăn nuôi gà lai chọi thả vườn thương phẩm, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chế tạo máy nông nghiệp, đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho người dân địa phương

Sinh ra trong gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn và chỉ học chưa hết cấp 2, anh Phùng Văn Nam ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã sáng chế ra nhiều loại máy móc nông nghiệp đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Hỗ trợ đồng bào Chăm xây dựng làng nghề gắn với du lịch

Nghề dệt truyền thống của người Chăm vẫn lưu truyền ở nhiều buôn, làng tại Bình Thuận. Những năm vừa qua, các cấp chính quyền đã hỗ trợ xây dựng làng nghề gắn với du lịch, người dân được vay vốn ưu đãi đã đầu tư máy móc phát triển nghề, tăng thu nhập

"Chìa khoá" giúp hàng ngàn hộ dân trên cao nguyên Mộc Châu thoát nghèo

Những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng chính sách trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã và đang là “cú hích” hiệu quả đưa hàng ngàn hộ dân thoát nghèo.

Cá tra xuất khẩu góp phần thúc đẩy giảm nghèo đa chiều ở Đồng Tháp

Cá tra hiện là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm 34,8% và 40% của cả nước.

Liên kết đưa mít siêu sớm trồng ở Than Uyên với mục tiêu giảm nghèo

Năm 2023, Công ty CP Nông nghiệp HT miền Bắc đã phối hợp với địa phương triển khai "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cây mít siêu sớm TL1" trên địa bàn huyện Than Uyên, Lai Châu.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng

Những năm gần đây, Hải Phòng nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới hội nhập quốc tế, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Phú Thọ phát triển ngành chè thành ngành kinh tế chủ lực giảm nghèo bền vững

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, xây dựng ngành chè thành ngành hàng chủ lực theo hướng phát triển thành hàng hóa tập trung có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.