Nhiều hộ dân Ninh Bình thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Những năm qua, Ninh Bình đã tích cực đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài, nhờ đó đã giúp hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Năm 2008, anh Trịnh Văn An ở xã Cồn Thoi là một trong những lao động đầu tiên của huyện Kim Sơn đi làm việc tại Hàn Quốc. Sang nước ngoài, anh An làm cho một công ty điện tử với mức lương trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng. Chỉ hơn 4 năm, anh An đã tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
Sau khi hết hạn hợp đồng, anh trở về nước và bắt đầu hướng khởi nghiệp mới. Với kinh nghiệm được tích lũy, anh thành lập công ty chuyên cung cấp và sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân địa phương. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Vốn là địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cồn Thoi chỉ còn 123 hộ. Đặc biệt, địa phương đã có nhiều người thực sự đổi đời nhờ tích cực học nghề, tham gia đi xuất khẩu lao động.
Trong năm 2022, toàn huyện Kim Sơn đã có 305 lao động đi xuất khẩu, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đáng chú ý, Kim Sơn đã tận dụng được thế mạnh miền ven biển trong việc dự thi tuyển lao động nghề ngư nghiệp cho thị trường lao động Hàn Quốc theo chương trình EPS. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, phản ánh nguồn chất lượng lao động đi xuất khẩu đã ngày càng được nâng cao.
Xã Thạch Bình huyện Nho Quan cũng là một trong những địa phương có nhiều khởi sắc trong công tác giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động của tỉnh Ninh Bình.
Căn nhà mới khang trang, kiên cố của gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở Thạch Bình, huyện Nho Quan nổi bật hơn so với những ngôi nhà khác trong xã. Để có được cơ ngơi như vậy, chị đã tích góp, dành dụm khoản tiền từ việc đi xuất khẩu lao động.
Chị Hương cho biết: Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018 chị đã tích cực học nghề và quyết tâm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan làm nghề điện tử. Nhờ chịu khó lao động, công việc cũng phù hợp, cộng thêm làm tăng ca nên mỗi tháng chị được hơn 15 triệu đồng. Từ đó, chị có tiền tích góp khi về nước để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình chị đã xây được nhà mới, phát triển đàn bò lên 5 con và mua được 1 chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước.
Giống như chị Hương, năm 2017 anh Nguyễn Văn Nam ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sau 5 năm làm việc ở nước ngoài, anh về nước trả hết nợ vay của ngân hàng, xây dựng được nhà và có vốn để phát triển kinh tế. Anh Nam chia sẻ: Nhờ đi xuất khẩu lao động, anh có vốn để nuôi bò sinh sản nên cuộc sống gia đình đã khá hơn trước.
Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết, trong năm 2022, toàn xã có 25 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các thị trường lao động ngoài nước. Từ năm 2022, Thạch Bình không còn thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù dành cho xã đặc biệt khó khăn. Vì vậy, sự mạnh dạn tham gia thị trường xuất khẩu lao động của nhân dân địa phương được coi là hướng đi mang lại nhiều triển vọng.
Được biết, từ khi tái lập tỉnh đến năm 2017, dù có nhiều cố gắng nhưng công tác xuất khẩu lao động ở Ninh Bình chưa thật sự hiệu quả. Đề án số 12 ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh về "Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình đến năm 2020" được coi là một cú hích mạnh mẽ đối với công tác này. Rất nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể vào sự đổi thay từng ngày của quê hương.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 6 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài thì có tới hơn một nửa đi theo Đề án số 12 của UBND tỉnh. Số tiền từ nước ngoài gửi về tạo nên sự thay đổi rõ nét trong đời sống của nhiều gia đình, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị, tăng cường rà soát nhu cầu, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo nguồn. Đồng thời hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu học nghề, ngoại ngữ, trang bị kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.
Bảo Phùng, Ánh Tuyết, Minh Thúy