Người nghèo Đắk Lắk thay đổi cuộc sống nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thoát nghèo.
Gia đình chị Hồ Thị Yến ở thôn 3, xã Ea Kpam huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk đã được vay 50 triệu đồng để cải thiện vườn cây cà phê, sầu riêng và đầu tư thêm vào chăn nuôi gia cầm. Đến nay, vườn cây, đàn gia cầm của gia đình chị phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hồ Thị Yến cho hay, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, chị đã cải tạo đất làm lại vườn cà phê, sầu riêng, mua phân bón, nuôi thêm gia cầm, gia súc. Nguồn vốn này đã giúp gia đình chị đỡ khó khăn hơn về vốn khi cần mua phân bón, tưới nước, mua heo giống… Đến nay, gia đình chị Yến đã có thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi cao hơn, ổn định hơn, đỡ vất vả hơn trước.
Không chỉ riêng gia đình chị Yến, nhiều gia đình khác ở Đắk Lắk cũng được vay vốn đã thay đổi cuộc sống, không còn khó khăn như trước.
Được biết, sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, đến nay tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk là hơn 6.172 tỷ đồng, tăng gấp 59,4 lần so với khi mới thành lập.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi thực hiện Nghị định 78 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk đã và đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách. Những năm qua, nguồn vốn đã được giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền gần 17.995 tỷ đồng, doanh số cho vay bình quân hơn 899,7 tỷ đồng/năm (40.159 lượt hộ).
Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 6.153,6 tỷ đồng, tăng 6.088,9 tỷ đồng, gấp 94 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm 28%. Hiện có trên 160.000 hộ đang dư nợ, trong đó, dư nợ của hộ là người dân tộc thiểu số đạt 2.263 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng dư nợ.
Trong 20 năm qua, có 803.186 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn; 87.509 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; thu hút tạo việc làm cho 37.840 lao động. Xây dựng được 139.491 công trình nước sạch và 135.641 công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây được 19.437 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở. 1.616 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 263.770 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 27% xuống còn 10%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 20,82% xuống còn 6,01%, giai đoạn 2016 - 2020 từ 19,39% xuống 6,34% (theo số liệu hộ nghèo tiếp cận đa chiều mới).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, tín dụng chính sách xã hội là kênh tín dụng đặc biệt truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận tay đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tiết giảm chi phí cho người vay và ngân hàng. Nguồn vốn cho vay đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn của Trung ương, địa phương đối với một số chương trình tín dụng quan trọng. Rà soát, quan tâm bổ sung thêm chính sách đối với những hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất để tạo điều kiện cho các hộ dân có tư liệu sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn…
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Dân số Đắk Lắk hơn 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số hơn 667 nghìn người, chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh, phân bổ rải rác ở đều khắp 184/184 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Ngoài các dân tộc thiểu số đã cư trú lâu đời như Ê đê, Mnông, Gia Rai, còn có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác di cư tới lập nghiệp và không ngừng gia tăng về số lượng qua các năm như Nùng, Tày, Mông...
Cuối năm 2021, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ hộ nghèo là 12,79%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,69% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 26,73% với 41.492 hộ nghèo).
Vũ Lụa, Ngọc Quý, Thu Hà