Điện Biên: Hỗ trợ hộ nghèo tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử
Nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Kênh tiêu thụ mới này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho các hộ nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Cứ vào 3 giờ chiều hàng ngày, bà Trần Thị Mùi ở xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên lại lên đồi hái dứa để ngày mai mang ra chợ bán thêm được mấy giá so với bán cho thương lái. Mồ hôi lấm tấm trên trán nhưng trong mắt bà ánh lên sự phấn khởi.
Được biết, bà Mùi đã gây trồng dứa trên mảnh đất đồi này khoảng 3 năm. Với thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây dứa mật cho ra quả to và chắc (trung bình từ 500 - 900gram/quả), hương thơm mùi vị rất đặc biệt mà hiếm loại dứa nào có được. Đặc biệt, cây dứa mật trồng trên đồi dốc, để chín trên nương tự nhiên, không phun thuốc bảo quản nên được khách mua rất ưa chuộng. Hiện nay, bà Mùi còn trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng.
Bà kể, trước mảnh đất này để hoang, cách đây ba năm, gia đình bà quay sang trồng dứa. Nhờ trồng dứa, gia đình bà đã vượt qua đói nghèo.
Anh Giàng A Chía, người dân xã Na Sang cho biết, cây dứa thực sự đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1 ha đất trồng ngô, lúa nương nên năm nào cũng thiếu ăn, phải nhờ Nhà nước hỗ trợ. Gia đình anh bắt đầu trồng dứa từ 5 năm trước và 3 năm gần đây đã thoát nghèo. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 100 triệu đồng/vụ từ cây dứa.
Gần đây, gia đình anh Chía còn được đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, gia đình anh dùng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây dứa. Về phần gốc, không bao giờ dùng thuốc trừ cỏ, chỉ lấy cuốc đào đất, cắt cỏ đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch, anh Chía kể.
Chiều nay, nhà anh Chía rộn rã hơn mọi ngày vì có đoàn công tác của Bưu điện huyện đến thăm. Lần đầu tiên anh được nghe giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) với rất nhiều lợi ích như: Có thể hỗ trợ tiêu thụ nông sản tới khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí ra cả nước ngoài; Có đa dạng sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật…, chỉ cần nhấn chọn sản phẩm sẽ hẹn được ngày giao đến tận nhà…
“Được thế thì còn gì bằng. Tôi mong những quả dứa của nhà mình được tiêu thụ ra nước ngoài qua sàn thương mại điện tử”, anh Chía hồ hởi.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh xúc tiến, đưa các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hiện nay đã có nhiều thuận lợi, dễ dàng, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương bằng kênh thương mại điện tử, các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông của tỉnh đã phối hợp, nỗ lực đưa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia thương mại điện tử.
Cụ thể, năm 2022, Công ty cổ phần Bưu chính Viettel Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã trực tiếp đến huyện Mường Chà để hỗ trợ các hộ sản xuất đưa sản phẩm dứa Mường Chà tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử.
Theo đó, cán bộ công ty đã trực tiếp hỗ trợ các hộ sản xuất việc khởi tạo gian hàng, tài khoản giao dịch trên sàn giao dịch điện tử Voso.vn, đồng thời lên đơn hàng, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến tay người tiêu dùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty đã giúp các hộ trồng dứa tại huyện Mường Chà tiêu thụ trên 9 tấn dứa với trên 2.500 đơn hàng bán lẻ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bên cạnh việc hỗ trợ bán hàng, Công ty đã lồng ghép tập huấn, giới thiệu về giao diện sàn thương mại điện tử, với những tính năng ưu việt, sự thuận tiện và hiệu quả trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử để người dân, hộ sản xuất tiếp cận và tham gia giao dịch.
Cùng với đó, Công ty cũng hướng dẫn các hộ sản xuất cách sử dụng, vận hành và quản lý tài khoản, gian hàng trên nền tảng số. Đến nay, đã có nhiều hộ sản xuất dứa tìm hiểu, đăng ký mở gian hàng, tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà cho biết: Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử là giải pháp giới thiệu, quảng bá và bán hàng hiệu quả. "Từ sàn thương mại điện tử, khách hàng trên cả nước sẽ biết, tìm hiểu và sử dụng sản phẩm dứa Mường Chà, qua đó giúp mở rộng thị trường sản phẩm", ông Tâm cho hay.
Thời gian tới, song song với phương pháp bán hàng truyền thống, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã Na Sang sẽ chú trọng đẩy mạnh việc bán lẻ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, Hợp tác xã sẽ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thành viên tiếp cận, tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử với mong muốn sản phẩn nông sản của người dân vùng sâu, vùng xa được lan toả đến khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần xoá đói giảm nghèo.