Bà con dân tộc tại Cao Bằng vươn lên làm giàu nhờ cây thạch đen
Huyện Thạch An (Cao Bằng) được thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây thạch đen, (còn được gọi là cây Tiên Thảo hay Sương Sáo).
Bởi thế Thạch An được coi là “thủ phủ” của loại cây dược liệu này- một giống cây ngắn ngày, trong vòng 4 tháng đã có thể thu hoạch.
Cây thạch đen có vị ngọt, tính mát, theo Đông y thì lá cây này có tác dụng giải nhiệt, giúp giảm huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, tiểu đường…
Trong vài năm gần đây, Thạch đen trở thành là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê của huyện, năm 2022, diện tích trồng thạch đen trên toàn huyện là 496,96ha, đạt sản lượng 2.500 tấn, với giá trung bình khoảng 40.000đ/kg, giá trị kinh tế đem lại cho nhân dân khoảng 80 - 100 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ Thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Một số khác được doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình, cá nhân thu về để chế biến Thạch đen thành phẩm, đóng hộp, xuất cho một số tỉnh miền xuôi, bán trong nhiều chuỗi siêu thị có tiếng.
Ông Ngô Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch An cho biết, nhiều năm qua, cùng với cây hồi, huyện xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm rất tốt. Nhiều hộ có thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm từ trồng, sản xuất các sản phẩm từ thạch đen.
Văn Giáp, Diệu Bình, Mạnh Hùng và nhóm PV