Xã nghèo đổi thay trở thành “thủ phủ” cam, bưởi trên vùng gò đồi
Được mệnh danh là “thủ phủ” cây cam, bưởi của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), những năm gần đây, xã Kim Hoá chuyển đổi phần lớn diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng loại quả cho hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp người dân thoát nghèo.
Sau nhiều năm loay hoay với việc trồng các loại cây ăn quả nhưng không phù hợp, gần đây người dân một số xã thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, địa phương giáp ranh với huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng nên mạnh dạn đưa giống bưởi Phúc Trạch về trồng ở Tuyên Hóa đã mang lại năng suất, chất lượng cao.
“Hái ra tiền” từ bưởi Phúc Trạch
Chia sẻ về câu chuyện trồng bưởi, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hoá, là “triệu phú bưởi” đầu tiên ở Tuyên Hoá cho biết, gia đình ông có khu vườn rộng hơn 3ha. Hơn 15 năm trước, ông quyết định cải tạo vườn để trồng cây ăn quả nhưng thất bại vì chưa chọn được cây thích hợp.
Sau khi tìm hiểu về giống bưởi Phúc Trạch, ông đã mua ít cây giống về trồng nhưng khi chưa kịp ra hoa thì cây bưởi chết dần bị sâu đục thân. Không nản, ông lại mua thêm giống và thuê người có kinh nghiệm về hướng dẫn cách chăm sóc nhưng cây sinh trưởng tốt thì lại không có quả.
Tìm hiểu kỹ một lần nữa, ông Minh thấy thất bại là do chưa biết cách chăm sóc và kỹ thuật thụ phấn cho hoa bưởi nên đã mời các kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây bưởi đến hướng dẫn kỹ thuật trồng loại cây này.
Năm 2016, gia đình ông Minh “hái ra tiền” từ bưởi với hơn 400 triệu đồng. Giờ đây, mỗi năm, vườn bưởi gần 700 gốc của ông mang đến nguồn thu từ 500 - 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Mô hình trồng bưởi Phúc Trạch của ông Nguyễn Văn Minh ở xã Kim Hóa đã lan tỏa rộng, tạo ra động lực mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Tuyên Hóa. Trong đó, không ít người chuyển diện tích đất trồng cao su, keo tràm sang trồng bưởi, cam và chanh. Nguồn thu nhập từ vườn cây ăn quả đã giúp họ vươn lên làm giàu.
Một gương điển hình khác là anh Trương Quốc Việt ở thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hóa. Sau thời gian dài trồng rừng kinh tế, nay anh đã chuyển sang trồng cây ăn quả có múi với diện tích gần 14 ha (khoảng 4.500 gốc cam, 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc chanh). Từ năm 2021 đến nay, diện tích cây ăn quả của anh Việt cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình trồng cây ăn quả có múi của người nông dân này được xem là đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh. Hiện tại, anh Việt đã đăng ký nhãn hiệu “Cam Kim Lũ”, được chứng nhận VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR cho sản phẩm.
Thương hiệu bưởi, cam đạt chuẩn OCOP 3 sao
Ông Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hóa cho biết: “Toàn xã hiện trồng gần 60 ha bưởi Phúc Trạch, hộ trồng ít nhất là 500 m2, nhiều nhất là 16ha. Phần lớn cây ăn quả của xã được trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cao. Riêng bưởi Phúc Trạch, nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/mùa vụ. Đồng thời, thương hiệu bưởi, cam Kim Lũ đã được công nhận đạt chuẩn 3 sao của sản phẩm OCOP huyện Tuyên Hoá”.
Cây bưởi Phúc Trạch bước đầu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Bên cạnh đó, dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho người dân bằng việc cung cấp các cây giống như bưởi, dễ trồng, chăm sóc và mang lại nguồn thu nhập khá. Địa phương cũng đang tập trung chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi. Bước đầu, một số diện tích đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế vượt trội, giúp người dân thoát nghèo.
Được biết, với điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cây ăn quả có múi, giai đoạn từ 2015 - 2020, huyện Tuyên Hóa đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi diện tích đất trồng cao su, đất gò đồi sang trồng cây ăn quả có múi, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất.
Ðiều đáng nói là chủ các mô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn ở huyện Tuyên Hoá đều áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, như đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc cây. Vì vậy, dù trong mùa hè nhưng nhiều hộ gia đình có vườn rộng cũng chỉ cần hai đến ba người là có thể cung cấp đủ nước cho cây trồng.
Ðến nay, toàn huyện có 320 ha cây ăn quả chủ yếu là cây có múi, trong đó khoảng 280 ha đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Mùa bưởi năm nay, nhiều nhà vườn ở Tuyên Hóa phấn khởi vì bưởi được mùa, giá cả ổn định và tiêu thụ tốt.
Trao đổi với VietNam Net, ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để đề án hình thành vùng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Tuyên Hóa tiếp tục tìm hiểu, đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu như bưởi da xanh, bưởi diễn, cam vinh… đồng thời kêu gọi doanh nghiệp cùng liên kết với người dân để làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện quy trình sản xuất có tem truy xuất nguồn gốc, dán mã QR cho sản phẩm để nâng cao giá trị cây ăn quả”.