Điện Biên: Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 68%
Chuyển đổi số đang góp phần làm thay đổi thói quen, cách sống, làm việc trên môi trường mạng, cách tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của CB, CCVC, người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm tăng năng suất lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số”; hướng đến mục tiêu “thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.
Với tinh thần đó, Điện Biên đã xác định bước đầu là quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số. Tính đến hết năm 2022, có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 94,5% khu vực có dân cư sinh sống.
Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt trên 95%. 100% cơ quan Nhà nước các cấp được kết nối mạng Internet tốc độ cao và kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Hệ thống Hội nghị trực tuyến được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trung tâm dữ liệu tỉnh được đầu tư, nâng cấp để tạo nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh...
Hạ tầng xã hội số được triển, khai rộng khắp, mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình; Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 68%; 37% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, Mobile Money... 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện các hội phụ nữ, thanh niên, công an, giáo viên, tổ trưởng các thôn, bản tại địa phương, là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Sở TT&TT tổ chức tập huấn Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin tỉnh Điện Biên năm 2022 với chủ đề: "Diễn tập ứng cứu, xử lý sự cố Cổng Thông tin điện tử tỉnh Điện Biên bị tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật từ đó phát tán mã độc, thay đổi giao diện.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm chú trọng, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho trên 1.000 học viên là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, đầu mối tổ chuyển đối số cộng đồng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho khoảng 200 người dùng cuối, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho gần 300 lãnh đạo UBND cấp xã. Hỗ trợ trên 4.500 lượt, vận hành phần mềm quản lý văn bản điều hành (TDOffice) nâng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử có ký số lên trên 97% trong năm 2022.
Với sự quyết tâm của các cấp uỷ, chính quyền hoạt động chuyển đổi số đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 100% các cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng (Đến hết tháng 11/2022 đã thực hiện tổng cộng trên 90 cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến trong đó có 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên Quốc tế; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện tiếp nhận trên 140.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 96%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 53%.
Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin Quốc gia. Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai theo mô hình “4 lớp” để thực hiện giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng trên địa bàn tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng.
Kinh tế số ngày được quan tâm, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, hiện tại đưa được 493 sản phẩm lên sàn, trong đó có 42 sản phẩm OCOP.
Chuyển đổi số đang góp phần làm thay đổi thói quen, cách sống, làm việc trên môi trường mạng, cách tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của CB, CCVC, người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm tăng năng suất lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Như Sỹ, Ngân Phương, Hà Sơn, Thu Hằng, Chí Hiếu