Cổng Thông tin điện tử các tỉnh cần phát triển theo hướng chuyển đổi số
Các Cổng TTĐT cấp tỉnh, thành phố vừa đánh giá lại, trao đổi kinh nghiệm quản lý, triển khai hoạt động và khẳng định rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống Cổng Thông tin điện tử cấp tỉnh, thành phố.
Kinh nghiệm của Cổng TTĐT các tỉnh, thành: Đẩy mạnh phát triển kênh đa phương tiện
Sáng 25/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Cổng thông tin điện tử (TTĐT) các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Trị; đại diện lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của 46 Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo báo cáo của Cổng TTĐT Chính phủ tại Hội nghị, hiện nay, trong 63 Cổng TTĐT tỉnh, thành phố cả nước, có 44 đơn vị thuộc Văn phòng UBND tỉnh, 18 đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, 01 đơn vị thuộc Tỉnh ủy. Về tên gọi các đơn vị quản lý, vận hành cũng khác nhau như: Cổng TTĐT; Trung tâm Báo chí; Trung tâm Tin học - Công báo; Trung tâm Thông tin - Tin học; Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), Trung tâm CNTT và Truyền thông; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số....
Cổng TTĐT đã đi đầu trong việc thực hiện chức năng giao tiếp 2 chiều như các hình thức: Đối thoại, toạ đàm trực tuyến và chuyên mục công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan nhà nước trả lời nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giải đáp những câu hỏi, ý kiến của nhân dân về những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Nhiều tỉnh thực hiện các nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu giúp tỉnh trong công tác định hướng thông tin dư luận; thực hiện các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử...
Theo ông Nguyễn Đoạt, Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái, trong giai đoạn hiện nay, hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi động, Cổng Thông tin điện tử các tỉnh cần được phát triển theo hướng chuyển đổi số, rất cần có định hướng chung từ phía Chính phủ để Cổng TTĐT các tỉnh hoạt động hiệu quả phù hợp với xu hướng thời đại. Đồng thời, đội ngũ cán bộ của Cổng cần có chế độ, chính sách, cần được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Ông Đoạt đề xuất Cổng TTĐT Chính phủ hằng năm chủ trì tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn, hỗ trợ Cổng TTĐT các tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ Cổng TTĐT các địa phương.
Từ kinh nghiệm thực hiện các chương trình đa phương tiện, bà Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng chia sẻ, một trong những yếu tố giúp sản xuất nhanh các chương trình, có các hình ảnh, clip đẹp về Thành phố là công tác tổ chức tư liệu. Trong quá trình tác nghiệp và hoạt động của mình, Cổng TTĐT Đà Nẵng đã tập trung hình thành kho tư liệu về hình ảnh, clip hoạt động của lãnh đạo, clip flycam về thành phố Đà Nẵng, các video, hình ảnh về công tác phòng chống dịch COVID-19..., đảm bảo phục vụ tốt cho công tác sản xuất các chương trình đa phương tiện trước mắt và trong thời gian tới.
Kinh nghiệm của Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế là mở thêm các chuyên mục, kênh thành viên là một trong những phương pháp để Cổng thông tin điện tử đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành đến các cá nhân tổ chức. Ưu điểm của các chuyên mục, kênh thành viên là giúp thông tin được tập trung theo chủ đề, chủ điểm, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức dễ dàng trong việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin. Một số chuyên mục thu hút đông lượt người theo dõi và truy cập trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế như: Chuyên mục chính quyền với người dân, cải cách hành chính, chuyển đổi số, dân hỏi cơ quan chức năng trả lời, chính sách mới...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển kênh đa phương tiện (audio và video), thực hiện các phóng sự, phỏng vấn, đối thoại nhằm thông tin các chủ trương, chính sách của tỉnh; đồng thời định hướng các thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống của người dân.
Thông tin bảo đảm tính chính xác, đúng chủ trương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Về kinh nghiệm đẩy mạnh cung cấp thông tin trên mạng xã hội, đại diện Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng, cho rằng: Thông tin được truyền tải phải bảo đảm tính chính xác, đúng chủ trương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự của thành phố; trọng tâm các hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố có tác động, ảnh hưởng, hữu ích đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân; thông tin đa chiều cần phải có định hướng của chính quyền Thành phố.
Việc hỏi đáp, tiếp nhận và trả lời bình luận diễn ra cởi mở, thẳng thắn; mở rộng tối đa nguồn tiếp nhận các câu hỏi của doanh nghiệp và người dân, không chỉ trên Cổng thông tin điện tử mà trên cả báo chí, truyền hình, mạng xã hội. Đây cũng là một kênh nắm bắt dư luận xã hội, điểm nóng phát sinh;
Tổ chức live stream trực tiếp các cuộc đối thoại; đồng thời phát hành các bản tin đa phương tiện, sinh động bắt mắt đối với người đọc, tiếp cận đa dạng sở thích của người đọc.
Đề cập đến vấn đề định hướng thông tin trên không gian mạng, đại diện Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên nhấn mạnh các Cổng TTĐT cần chủ động đăng tải những thông tin tích cực, tin, bài, hình ảnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương người tốt, việc tốt tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Mục đích là để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; chia sẻ, lan tỏa ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Cần chọn lọc thông tin, nhận thức đúng đắn nội dung thông tin, nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác, nhất là những thông tin tích cực từ báo chí chính thống trên Cổng/Trang thông tin cũng như trên mạng xã hội.
Duy Tiến (tóm lược), Ngân Phương, Mỹ hòa