Tuyên Quang: Giảm nghèo bền vững với giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản
Chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nông sản Tuyên Quang đang từng bước tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị chung toàn cầu, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, giải quyết các chỉ tiêu đo lường nghèo như: Y tế, việc làm, nước sạch, nhà ở… Song song với đó là xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất…
Đặc biệt, nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững, ổn định, lâu dài và tránh nguy cơ tái nghèo, tỉnh có nhiều hướng đi mới, trong đó có giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản, cấp mã số vùng trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, tư duy sản xuất nông nghiệp đã được thay thế bằng kinh tế nông nghiệp. Khi đã chuyển sang kinh tế thì sản xuất sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa phải được thực hiện song hành. Điều này sẽ giúp nông sản được bảo hộ quyền và lợi ích trên thị trường, đồng thời tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Những sản phẩm đã được “biết mặt, đặt tên” của tỉnh Tuyên Quang đã đi vào thị trường và khẳng định thị phần, trong đó một số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng... Từ đó tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo thành những nhóm sản xuất, hợp tác xã, hộ liên kết, nâng cao mức sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Tỉnh Tuyên Quang xác định, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... nhất là trong bối cảnh hội nhập. Việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chính là “visa” để các sản phẩm nông sản của địa phương vươn xa.
Theo Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và Nghị quyết số 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, sản phẩm OCOP được ban hành năm 2021; tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với những sản phẩm đã được chứng nhận và có kế hoạch tiêu chuẩn hóa cho 209 sản phẩm tiềm năng.
Bắt đầu từ năm 2022, tỉnh cũng triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025”. 15 mã số vùng trồng được chứng nhận, đảm bảo đủ các điều kiện để xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ và các nước EU.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, nông sản Tuyên Quang đang từng bước tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị chung toàn cầu, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.