Công nghệ số mở hướng đi mới trong giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang
Bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, đặc biệt là công tác thúc đẩy giảm nghèo.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin mà còn thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Có thể thấy, nguồn hàng nông sản tại các tỉnh vùng cao rất đa dạng, tiềm năng, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn.
Vì vậy, đưa sản phẩm lên các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử đã mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo bền vững. Đây là cơ hội để chị em hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm vượt qua khuôn khổ chợ truyền thống, tham gia vào mạng lưới kinh doanh online. Từ đó tạo động lực cho họ tự tin phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định, làm giàu cho bản thân mình và cộng đồng.
Bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, đặc biệt là công tác thúc đẩy giảm nghèo.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Hội cũng là một trong 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã xác định. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng Kế hoạch, xác định rõ các nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động Hội, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đột phá này.
Đối với mỗi cán bộ Hội Phụ nữ, công nghệ số được sử dụng như một phương tiện đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên, phụ nữ; nhiều người còn lập nhóm trên mạng xã hội để sinh hoạt chi hội. Thay vì đi từng nhà vận động, tuyên truyền, thông qua Zalo nhóm, hội viên có thể cập nhật các thông tin về thời gian sinh hoạt chi hội, thông tin tuyên truyền, vận động, các phong trào ngay lập tức. Việc tiếp cận thông tin một cách đa dạng, qua đó có thể lồng ghép tuyên truyền các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện mang tính chất tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn hội viên các kỹ năng sử dụng công nghệ số vào cuộc sống.
Điển hình như Ngày phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức vào tháng 10/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với một số đơn vị đã giới thiệu, hướng dẫn cho hơn 200 nữ doanh nhân, thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm cùng sở thích, hộ kinh doanh về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Các đại biểu tham dự được giới thiệu, hướng dẫn kết nối đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso; khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số, chủ động, sáng tạo, hiệu quả bắt nhịp xu thế chuyển đổi số.
Chị Bàn Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Thái (Na Hang) là chủ 1 homestay, sau khi tham gia tập huấn đã thu được nhiều kiến thức để làm tốt hơn công việc của mình. Đó là biết cách viết giới thiệu, quảng bá, mời gọi khách du lịch đến với Hồng Thái; biết học cách làm du lịch trải nghiệm ở các tỉnh bạn; mời gọi khách hàng mua các sản phẩm sạch do homestay sản xuất như rượu, gạo, lợn, gà, các loại rau, củ, quả theo mùa sao cho thật hấp dẫn, thu hút trên các fanpage của homestay…
Thông qua các trang mạng điện tử, mạng xã hội, sản phẩm gia đình chị được nhiều người biết đến hơn. Chị còn thu mua và bán hộ nông sản sạch cho bà con nghèo trong thôn, xã. Từ đó thúc đẩy nguồn cung phát triển, tạo động lực cho các hộ vươn lên làm kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ Hội các cấp và các chị em là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã... để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm gắn với thương mại điện tử...
Các cấp Hội sẽ tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài địa phương.
Hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống.