Thoát nghèo từ cải tạo vườn tạp, nông dân Bắc Quang vươn lên làm giàu
Việc cải tạo diện tích vườn tạp thành những mô hình kinh tế tổng hợp đã và đang mang lại nhiều khởi sắc cho huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trong công tác giảm nghèo.
Trước đây, nhiều vườn tạp trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho hiệu quả kinh tế thấp, gây lãng phí tài nguyên đất thì nay năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Cuối năm 2020, trên địa bàn huyện có hơn 2.000 vườn tạp. Phần lớn chủ vườn trồng cây không có kế hoạch, không có cây chủ lực hoặc để đất trống, bỏ ngỏ khâu chăm sóc; chưa tận dụng được nguồn lao động, thời gian nhàn rỗi của gia đình.
Riêng về giống cây trồng, đa số các hộ tự tìm mua nên không kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng cây giống. Do đó, hiệu quả kinh tế từ đất vườn thấp, thậm chí có vườn không cho thu hoạch sản phẩm, gây lãng phí tài nguyên đất...

Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Thực hiện Nghị quyết 05, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo mỗi xã lựa chọn 1 thôn làm điểm; mỗi thôn, cơ quan, đơn vị lựa chọn từ 1 – 2 hộ để tập trung chỉ đạo xây dựng thành các mô hình vườn mẫu và thành lập nhóm Zalo để hỗ trợ, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, huyện ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng vườn, hộ đã thực hiện cải tạo vườn tạp; thành lập các tổ giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, tổ đánh giá chất lượng vườn hộ đã cải tạo. Việc cải tạo vườn tạp còn gắn với thực hiện tuyến đường tự quản: “Sáng – xanh – sạch – đẹp” tại 23/23 xã, thị trấn của huyện.
Huyện Bắc Quang còn tiến hành liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ các hộ cải tạo vườn tạp về giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình có thể kể đến liên kết giữa các hộ dân của xã Quang Minh với một doanh nghiệp trong tiêu thụ bí ngô, sản xuất lúa giống, trồng sả Srilaca. Trong đó, mô hình liên kết trồng sả Srilaca chiết xuất tinh dầu có quy mô trên 5,5 ha được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Mô hình này còn tạo ra những “nông dân số” khi họ biết sử dụng nhật ký điện tử ghi lại quá trình trồng, chăm sóc, bán sản phẩm. Điều này giúp nâng cao nhận thức cho người nông dân, thúc đẩy việc thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin trong chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, chế biến cho đến khi phân phối ra thị trường; tạo nền tảng để xây dựng truy xuất nguồn gốc điện tử.
Sau hơn 2 năm đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống, đến nay, toàn huyện Bắc Quang có 160 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện cải tạo vườn tạp, đạt 100% so với số hộ đăng ký thực hiện. Các hộ đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lên đến 4,8 tỷ đồng để cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.
Thông qua việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào chăn nuôi (gà, lợn, cá) và trồng trọt (rau, dược liệu), bình quân thu nhập từ cải tạo vườn tạp tăng thêm 21,1 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 3 – 4 lần so với trước khi cải tạo vườn tạp; đồng thời, giải quyết việc làm ổn định cho 350 lao động tại chỗ.
Toàn huyện đã có 80 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp cho thu nhập cao.
Gia đình ông Nguyễn Thành Luân, thôn Kè Nhạn trong danh sách hộ nghèo của xã Đồng Yên. Ông được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng để cải tạo 2.000 m2 vườn tạp thành mô hình vườn – ao – chuồng với tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; trong đó, chăn nuôi 2.000 con gà thả vườn kết hợp trồng cam vàng và sử dụng 1.000 m2 để đào ao, thả cá. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Luân là tấm gương để bà con trong xã đến học tập, tìm hiểu kinh nghiệm.
Hộ ông Nguyễn Văn Duẩn, thôn Quán, xã Quang Minh chỉnh trang khuôn viên, bố trí lại cấu trúc không gian nhà ở theo hướng xanh – sạch – đẹp với sân trước cửa nhà (giáp đường bê tông nội thôn) trồng hàng rào xanh (cây cúc tần, dâm bụt) với chiều dài 30 m; làm hàng rào tre, nứa xung quanh vườn trồng cây ổi, rau và bố trí lại khu chăn nuôi lợn, gà, xây lại chuồng lợn với diện tích 20 m2. Nhờ đó, gia đình ông Duẩn đã có nguồn thu nhập tăng thêm là hơn 45 triệu đồng/năm...
Ông Lê Việt Hùng ở thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh là tấm gương điển hình vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo của thôn và xã. Ngày trước, gia cảnh ông khó khăn, túng thiếu. Không cam chịu với đói nghèo, ông tìm hiểu, trăn trở với những suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo.
Qua khảo sát các điều kiện về thổ nhưỡng, nguồn nước tại địa phương, năm 2016 gia đình ông Hùng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trên 1.000 cây cam. Sau đó, thực hiện công tác cải tạo vườn tạp, ông trồng trên 1,3 ha chè và chăn nuôi trên 100 con gà và trâu, bò.
Mô hình đã cho gia đình ông thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.
Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Lê Việt Hùng còn là hội viên nông dân tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình hội viên kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.
Sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang và sự đồng thuận của nhân dân chính là nền tảng quan trọng để Nghị quyết 05 có sức sống vững bền trong cuộc sống, tạo diện mạo mới cho kinh tế vườn ở Bắc Quang, hướng tới mục tiêu sinh kế và giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Quỳnh Nga