Thâm canh, trồng rừng gỗ lớn góp phần nâng thu nhập cho người dân xã Đại Lịch
Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2014, cụm từ “Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn” lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định số 774/QĐ- BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.
Xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng trồng cây gỗ lớn. Là xã có diện tích rừng tự nhiên lớn, tuy nhiên trước đây người dân chỉ biết khai thác rừng tự nhiên, khai thác trắng. Cách làm này không mang lại giá trị kinh tế cao, không bền vững, sau nhiều năm sẽ khiến tài nguyên rừng bị cạn kiệt.
Nhờ tuyên truyền, vận động, người dân bắt đầu ý thức được từ rừng mang lại lợi ích lâu dài và hiệu quả kinh tế cao, nên đã tích cực bỏ vốn, bỏ công để trồng và chăm sóc rừng. UBND xã phối hợp với các ngành nông, lâm nghiệp của huyện đáp ứng nhu cầu về cây giống và hướng dẫn bà con về kỹ thuật. Đồng thời, vận động Nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào trồng.
Ngọc Trang, Xuân Long, Văn Hùng và nhóm PV